Danh mục

NỖ LỰC GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ NHÀ Ở CHO CÔNG NHÂN
Trước nhu cầu lớn của công nhân lao động về nhà ở, các cấp Công đoàn thành phố Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực với mong muốn đoàn viên, người lao động có một nơi để “an cư”…

Nguyễn Thanh Hùng - 25/10/2024 14:51 - 54 Lượt xem

     Mong ngày được “thông phòng”
     Căn phòng rộng gần 16m2 tại Khu nhà ở công nhân Khu công nghiệp Hòa Cầm là nơi trú ngụ của 3 mẹ con chị Phạm Thị Mai, quê ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.
     Là công nhân nghèo và là người mẹ đơn thân của 3 người con sau cuộc hôn nhân đổ vỡ, việc tìm kiếm một nơi chốn làm chỗ ăn ở an toàn, không bị uy hiếp bởi thiên tai bão lũ luôn khiến chị Mai đau đáu. Thế rồi hơn 1 năm trước, chị Mai được duyệt hồ sơ, được thuê căn phòng nhỏ này với mức giá thuê ưu đãi, cùng với một số thiết chế văn hóa, tiện nghi tốt hơn nhiều lần so với đi thuê trọ bên ngoài.
     Trước đó, 3 mẹ con chị Mai thuê trọ bên ngoài với mức chi trả khoảng 1,2 triệu đồng/tháng (tiền thuê nhà và tiền điện, nước), trong khi thu nhập cả tăng ca của chị cũng chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng. Đây là bài toán nan giải cho việc chi tiêu của 3 mẹ con. Trong khi thuê phòng ở khu nhà dành cho công nhân này, chị Mai chỉ tốn gần 400 nghìn đồng mỗi tháng.
     “Ở đây giá thuê rẻ, sạch sẽ, an ninh, có khu vui chơi cho trẻ... Anh chị em ở đây hầu như cùng hoàn cảnh nên cũng dễ sẻ chia, bầu bạn, tâm sự. Có điều bất tiện một tí là diện tích phòng khá nhỏ, không đủ không gian sinh hoạt cho một gia đình, nhất là khi con lớn, học hành... Em chỉ mong là căn phòng có thể nới rộng hơn, bằng cách hai phòng nhập lại, thông nhau để dễ sử dụng”, chị Mai thổ lộ.
     Niềm tâm sự và mong mỏi của chị Mai cũng là niềm tâm sự chung của gần 100 trăm công nhân thuê trọ tại Khu nhà ở công nhân khu công nghiệp Hòa Cầm.
     Chị Nguyễn Thị Diệp, một công nhân khác quê ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, kể rằng cả gia đình chị khi được chuyển đến thuê ở tại khu nhà ở dành cho công nhân này rất phấn khởi. Tuy nhiên nguyện vọng của chị Diệp cũng như đông đảo công nhân nơi đây là được mở rộng thêm diện tích phòng.
     “Ngay cả việc kê một chiếc giường ngủ cho con thôi cũng đã khó”, chị Phạm Thị Trang, quê ở Lệ Thủy, Quảng Bình, chia sẻ.
 
 
     Nỗ lực giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân nghèo
     Công trình nhà ở công nhân khu công nghiệp Hòa Cầm tọa lạc ở phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ. Công trình này là “món quà” của Thành ủy Đà Nẵng dành tặng cho công nhân, lao động nghèo ở thành phố nhân Đại hội XVI Công đoàn thành phố Đà Nẵng, nhiệm kỳ 2018-2023.
     Đầu năm 2019, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Đà Nẵng được giao nhiệm vụ triển khai đầu tư xây dựng công trình.
     Ngày 18/10/2020 LĐLĐ thành phố Đà Nẵng tổ chức lễ khánh thành, đưa công trình vào sử dụng với kinh phí đầu tư giai đoạn 1 khoảng 70 tỷ đồng. Công trình có tổng diện tích là 27.755 m2 với 3 khối nhà, quy mô 5 tầng và tầng áp mái, gồm 278 phòng ở đơn và 7 phòng ở đôi, 3 phòng sinh hoạt chung, phòng y tế và nhà xe.
     Đến ngày 12/11/2020 LĐLĐ thành phố tiến hành bàn giao công trình để Trung tâm quản lý và khai thác nhà Đà Nẵng đưa vào quản lý và vận hành.
     Lãnh đạo LĐLĐ thành phố cho hay, hiện nay tại khu nhà ở này đã bố trí xong 1 block cho 100 công nhân lao động vào ở, còn lại 2 block sẽ tiếp tục nâng cấp để đáp ứng yêu cầu của công nhân, người lao động do diện tích phòng ở nhỏ, chưa đảm bảo sinh hoạt gia đình của người lao động, cũng như đầu tư nâng cấp thêm bãi để xe để đảm bảo an toàn.
     Mới đây LĐLĐ TP Đà Nẵng đã đề xuất cấp có thẩm quyền cho chủ trương thông 190 phòng của 2 block số 2 và 3 để phù hợp với nhu cầu của công nhân, đảm bảo khai thác hiệu quả, tránh lãng phí.
     “Với khu nhà ở dành cho công nhân tại khu công nghiệp Hòa Cầm, do mục tiêu ban đầu là bố trí chỗ ở cho người lao động đơn thân, người chưa lập gia đình. Nhưng qua thực tiễn lại phát sinh là có tới 60% người lao động xin vào ở là những hộ gia đình có từ 3 nhân khẩu trở lên nên diện tích không đảm bảo điều kiện sinh hoạt. Đây là câu chuyện phát sinh từ thực tiễn khi chúng ta xây dựng đề án với mục tiêu khác, bây giờ khi khai thác thì chuyển sang một mục tiêu khác”, đồng chí Lê Văn Đại, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố, chia sẻ thêm.
     Được biết, hiện thành phố có khoảng hơn 643.400 lao động, trong đó tổng số CNVCLĐ ở các đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn là hơn 137.000 người; số công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp gần 74.000 người, riêng số lao động ngoại tỉnh chiếm khoảng 45% và đây cũng là số người có nhu cầu rất lớn về nhà ở.
          Nam Toàn
Trang: 5 / 11