Danh mục

Nhà Văn hóa Lao động thành phố Đà Nẵng: 15 năm nhìn lại
Tháng 8/2024, Nhà Văn hóa Lao động thành phố tổ chức kỷ niệm 15 năm Ngày khánh thành. 15 năm nhìn lại có rất nhiều những thành quả đã đạt được nhưng tựu chung lại, thành quả lớn nhất vẫn là sự đoàn kết của một tập thể dám nghĩ, dám làm vì người lao động.

Nguyễn Thanh Hùng - 22/12/2024 09:39 - 69 Lượt xem

     Cách đây 15 năm, trụ sở mới của Nhà Văn hóa Lao động thành phố được khánh thành, đưa vào sử dụng nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 – 28/7/2009). Trụ sở đặt tại số 02 Cách mạng Tháng Tám, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng với diện tích hơn 14.000m2, gồm: hội trường lớn sức chứa 1.200 người, 6 sân cầu lông, 2 sân bóng đá mini…. Có thể nói, đây là công trình văn hóa đầu tiên của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố có quy mô to đẹp, trang thiết bị hiện đại nhất lúc bấy giờ dành cho công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) ở các cấp Công đoàn và nhân dân trên địa bàn thành phố.
     Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Giám đốc Nhà Văn hóa Lao động thành phố Đà Nẵng cho biết: 15 năm qua, Nhà Văn hóa Lao động thành phố đã xây dựng được mô hình tổ chức hoạt động có hiệu quả; phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của thành phố và tổ chức Công đoàn; tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao, các Câu lạc bộ sở thích nhằm thu hút đông đảo quần chúng đến tham gia sinh hoạt, vui chơi, giải trí góp phần chăm lo sức khỏe, đời sống văn hóa tinh thần của CNVCLĐ và nhân dân trên địa bàn. Ngoài mục đích thu hút đông đảo đoàn viên, người lao động ở các cấp Công đoàn, hội viên các Câu lạc bộ đến tham gia sinh hoạt, Nhà Văn hóa Lao động thành phố còn chú trọng đến công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng hạt nhân tham gia các giải thi đấu đỉnh cao cấp thành phố và quốc gia thông qua các hoạt động do đơn vị đăng cai tổ chức. Điển hình là Giải cầu lông truyền thống.
     Năm 2024, Giải thu hút 24 câu lạc bộ với 318 vận động viên là cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ hiện sinh hoạt tại các cấp Công đoàn thành phố cùng hội viên các câu lạc bộ cầu lông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Được biết, năm 2019, xuất phát từ nhu cầu của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động và các vận động viên cầu lông về việc thi đấu, giao lưu ở bộ môn cầu lông, tạo sân chơi thể thao, tăng cường tình đoàn kết, Nhà Văn hóa Lao động quyết định đăng cai tổ chức giải. Theo đó, định kỳ hàng năm sẽ tổ chức 1 lần để tạo cơ hội cho những người chơi cầu lông có cơ hội giao lưu, rèn luyện.
     Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung cho biết: “Giải cầu lông truyền thống lần thứ 5 năm 2024 tranh cúp Công Khanh Sport là sân chơi bổ ích dành cho đoàn viên, người lao động. Thông qua giải nhằm tìm kiếm những hạt nhân để xây dựng, phát triển phong trào cầu lông ở cơ sở nói riêng, phong trào văn hóa thể thao nói chung. Đây cũng chính là hoạt động đơn vị tổ chức nhằm chào mừng kỷ niệm 15 năm Ngày khánh thành Nhà Văn hóa Lao động thành phố”.
     Theo đánh giá từ Ban tổ chức, so với giải cầu lông truyền thống lần thứ 4 năm 2023, giải lần này tuy số đội có giảm nhưng tổng số vận động viên tham gia tăng lên; chất lượng chuyên môn giải đấu cao hơn so với các năm trước, trình độ chuyên môn giữa các vận động viên tương đối đồng đều. Giải đấu năm nay, các vận động viên tranh tài ở ở 3 nội dung: đôi nam, đôi nữ và đôi nam nữ, theo 4 nhóm tuổi.
     Ông Ngô Văn Tài, Trưởng đoàn Câu lạc bộ cầu lông Tài Thiện Phú cho biết, đơn vị có 24 vận động viên tham gia thi đấu tại giải. Trước giải đấu 01 tháng, Câu lạc bộ tham gia thi đấu nhiều giải ở thành phố nên “khá tốn sức” của anh em hội viên. Tuy nhiên, với tinh thần thể thao rất cao, sau khi Nhà Văn hóa Lao động ban hành kế hoạch, hội viên đã nhanh chóng đăng ký tham gia.
“Sau khi tham gia giải đấu, các vận động viên của đoàn chia sẻ khá hài lòng khi Nhà Văn hóa Lao động đã có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, cơ sở vật chất tốt, thời gian để các vận động viên thi đấu được phân bổ khá hợp lý khi vừa bảo đảm công việc vừa có thể tham gia thi đấu”, bà Phạm Thị Vân Giang, vận động viên Câu lạc bộ cầu lông Công an quận Cẩm Lệ chia sẻ.
 
 
     Nói về hoạt động của Nhà Văn hóa Lao động thành phố, Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung cho biết thêm, hằng năm, trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Nhà văn hóa Lao động thành phố phối hợp các Ban của LĐLĐ thành phố tổ chức các hoạt động lớn như: hội thao truyền thống công nhân, viên chức, người lao động; đám cưới tập thể công nhân, phiên chợ công nhân…
     Từ 6 Câu lạc bộ lúc khánh thành, đến nay Nhà văn hóa Lao động thành phố đã có 26 Câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể thao với hơn 1.000 hội viên tham gia sinh hoạt, tập luyện. Các Câu lạc bộ thường xuyên tổ chức các giải thi đấu nội bộ, tổ chức các hoạt động giao lưu với những Câu lạc bộ trên địa bàn thành phố và địa phương lân cận.
     Đặc biệt, từ năm 2016, đơn vị phối hợp với doanh nghiệp tư nhân tổ chức biểu diễn nghệ thuật truyền thống hằng đêm với thương hiệu Charming Danang, nhằm khai thác hiệu quả cơ sở vật chất, góp phần phát triển ngành văn hóa, du lịch thành phố.
     Ngoài ra, Nhà văn hóa Lao động thành phố cũng đặc biệt chú trọng đến công tác chăm lo cho đoàn viên, hội viên và người lao động khó khăn; duy trì chương trình “bánh trưng xanh” hằng năm, giúp người lao động có cái Tết ấm áp, đủ đầy…
     Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 15 năm Ngày khánh thành, bà Phan Thị Thúy Linh, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Đà Nẵng cho biết, Nhà văn hóa Lao động thành phố là cánh tay nối dài trong các hoạt động của tổ chức Công đoàn trong thời gian qua.
     Qua nhiều giai đoạn, đến nay, Nhà văn hóa Lao động thành phố đã có sự phát triển, tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, chính trị. Với sự nỗ lực của cán bộ, nhân viên các thế hệ, vượt qua khó khăn để Nhà văn hóa Lao động thành phố thật sự là điểm đến của đoàn viên, người lao động và nhân dân trên địa bàn thành phố.
 
Song Phương
Trang: 9 / 11