ĐA DẠNG HÓA HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN TRONG ĐOÀN VIÊN, NGƯỜI LAO ĐỘNG
Năm 2023, để “mềm hóa” các văn bản pháp luật vốn khô khan, giúp đoàn viên, người lao động nắm bắt kịp thời các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Đà Nẵng đã đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, bước đầu đem lại hiệu quả tích cực…
Nguyễn Thanh Hùng - 29/12/2023 17:26 - 598 Lượt xem
“Mềm hóa” các văn bản luật
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động trong doanh nghiệp là việc làm quan trọng nhằm đưa các kiến thức pháp luật đến với đoàn viên, người lao động và chủ doanh nghiệp, giúp xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp, hạn chế đình công, lãn công, đảm bảo quyền lợi cho người lao động cũng như tạo tiền đề cho doanh nghiệp phát triển.
Để mềm hóa các văn bản pháp luật vốn khô khan, trong những năm gần đây, nhất là năm 2023, năm diễn ra Đại hội Công đoàn các cấp, nhiệm kỳ 2023 – 2028, một sự kiện chính trị quan trọng của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn nên hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được LĐLĐ thành phố cải tiến theo hướng đa dạng, sinh động hơn; cùng với đó, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cũng được các cấp Công đoàn thành phố chú trọng phát triển. Thường xuyên tham gia báo cáo chuyên đề An ninh trật tự tại các Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ do LĐLĐ thành phố tổ chức, Trung tá Hồng Minh Hiển, Báo cáo viên Công an Tp. Đà Nẵng, đánh giá: “Công tác tuyên truyền của các cấp Công đoàn trong thời gian qua đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực, nhận thức về pháp luật của công nhân lao động đã được nâng lên đáng kể; đội ngũ tuyên truyền viên của các cấp Công đoàn thành phố được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Ngoài ra, LĐLĐ thành phố còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn như Công an, BHXH, thuế… tổ chức các lớp tuyên truyền khá hiệu quả”.
Đến thời điểm này, hình thức đạt nhiều hiệu quả nhất phải kể đến là Tuyên truyền - Đối thoại - Tư vấn pháp luật, được triển khai rộng khắp ở các cấp Công đoàn thành phố. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các nội dung, như: Vấn đề Hội nhập kinh tế quốc tế, cơ hội và thách thức; tuyên truyền và giải đáp các quy định Pháp luật lao động, Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm, Luật An toàn vệ sinh lao động... Tại các buổi tuyên truyền, nội dung được người lao động đặt câu hỏi đến báo cáo viên tư vấn pháp luật nhiều nhất vẫn là vấn đề tiền lương, tiền thưởng, BHXH, BHYT, trợ cấp thất nghiệp “Nhiều quy định của pháp luật có liên quan đến quyền lợi của mình, chúng em chỉ nắm chung chung, không hiểu được tường tận…”, Anh Trần Hữu Chiêm, Đoàn viên Công đoàn Công ty Công ty Công viên Cây xanh Đà Nẵng, bộc bạch.
Song song với việc chuẩn bị kĩ nội dung tuyên truyền, LĐLĐ thành phố còn chú trọng đến chất lượng của đội ngũ Cán bộ Công đoàn cơ sở. Thông qua các lớp tập huấn, họ thường xuyên được cập nhật các kiến thức cơ bản về các văn bản, quy định của Nhà nước, của tổ chức Công đoàn trong thực thi chính sách pháp luật lao động tại doanh nghiệp; hoạt động tài chính, kiểm tra, thi đua khen thưởng, tuyên giáo, nữ công của Công đoàn cơ sở; được tư vấn, hướng dẫn cách thức triển khai, vận dụng vào thực tiễn của đơn vị. Bàn về công tác tuyên truyền của các cấp Công đoàn thành phố trong thời gian đến, ông Hoàng Bách Tùng, Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Tuyên giáo Nữ công LĐLĐ thành phố, cho biết thêm: “Là một Ban chuyên đề của LĐLĐ thành phố, phụ trách mảng tuyên giáo Công đoàn, trong thời gian đến để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong đoàn viên, CNVCLĐ thì nội dung tuyên truyền cần thực hiện có trọng điểm, gắn chặt với nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Trong công tác tuyên truyền, chú trọng đến việc giới thiệu những quy định mới có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của đoàn viên, người lao động và mỗi một đối tượng có hình thức tuyên truyền khác nhau”.
Trò chơi “Hỏi – Đáp có thưởng” tại hội nghị tuyên truyền pháp luật do LĐLĐ thành phố tổ chức.
Đa dạng hình thức tuyên truyền
Tham gia trò chơi “Hỏi – Đáp có thưởng” sau một buổi tuyên truyền của LĐLĐ thành phố, anh Lê Mạnh Hùng, đoàn viên Công đoàn Công ty Cổ phần Dệt may 29/3, hào hứng “Món quà tuy nhỏ nhưng qua trò chơi này, tôi nắm bắt nhanh và ghi nhớ lâu các quy định của pháp luật có liên quan đến quyền lợi sát sườn của người lao động. Tôi thấy rất thú vị”.
Ngoài ra, nhằm tạo điều kiện cho công nhân lao động tự học, nâng cao kiến thức pháp luật, bên cạnh thường xuyên tổ chức các lớp tuyên truyền, LĐLĐ thành phố còn trang bị nhiều tủ sách pháp luật với 20 đầu sách các loại tại các Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ ở các quận Sơn Trà, Cẩm Lệ, Liên Chiểu và huyện Hòa Vang.
Tại các Công đoàn cơ sở thuộc khối doanh nghiệp ngoài nhà nước, hoạt động tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật được tổ chức tùy vào đặc thù sản xuất kinh doanh của từng đơn vị với nội dung và hình thức phù hợp. Ví như ở Công ty TNHH Murata Manufacturing Việt Nam, các kiến thức của Luật An toàn vệ sinh lao động… đã được Ban Chấp hành Công đoàn Công ty lồng ghép, tuyên truyền rộng rãi trong đoàn viên, CNLĐ qua tổ chức diễn tập phương án phối hợp chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn theo các tình huống dã định. “Qua việc diễn tập như thế này đã giúp cho đoàn viên, người lao động trong Công ty nắm bắt nhanh được nhiều kiến thức về an toàn vệ sinh lao động, trong đó có 3 nhóm vấn đề chính, đó là: Kiến thức, kĩ năng và tâm lý”, chị Lê Nguyễn Khánh Hương, Chủ tịch Công đoàn Công ty chia sẻ.
Tin rằng, việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được các cấp Công đoàn thành phố triển khai, đổi mới trong năm 2023 đã mang lại những hiệu quả thực chất, tạo bước chuyển rõ nét trong nhận thức và hành động của đoàn viên, người lao động, tạo mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp; thiết nghĩ, kết quả này cần được phát huy và nhân rộng trong thời gian đến.
SONG PHƯƠNG