“Đây là thách thức rất lớn cho tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam. Nếu Công đoàn hoạt động thật sự có hiệu quả, mạnh dạn đấu tranh đòi hỏi quyền lợi sát sườn của NLĐ, nói lên được tiếng nói bức xúc của NLĐ, thì các tổ chức của NLĐ mới ra đời sẽ gia nhập vào Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Nhưng nếu Công đoàn hoạt động hời hợt, không hiệu quả, không đấu tranh cho quyền lợi của NLĐ thì các tổ chức của NLĐ mới ra đời sẽ không gia nhập vào Công đoàn Việt Nam mà tự liên kết lại để bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Nếu họ bảo vệ có hiệu quả hơn tổ chức CĐ hiện tại, thì tổ chức Công đoàn hiện tại chỉ là hình thức, không có sức mạnh thực sự, sẽ không thực hiện tốt được chủ trương, đường lối của Đảng đối với phong trào công nhân”, đó là phát biểu của đồng chí Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính tại Hội thảo “Hoàn thiện hệ thống pháp luật lao động, việc làm, an sinh xã hội phù hợp Hiến pháp 2013, hội nhập quốc tế và thực thi cam kết TPP” do Ủy ban về các vấn đề xã hội, Ủy ban đối ngoại của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức tại TP Đà Nẵng. Đứng trước thách thức đó, đòi hỏi tổ chức Công đoàn phải đổi mới mạnh mẽ để “giữ chân” đoàn viên và thu hút đoàn viên. Và một trong những giải pháp mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai sâu rộng ở các cấp Công đoàn đó là thành lập Công đoàn cơ sở theo điều 17 Điều lệ Công đoàn Việt Nam, gọi nôm na là thành lập Công đoàn cơ sở “từ dưới lên”. Có nghĩa là phải đi từ những hạt nhân cơ bản là NLĐ để đạt được mục đích cuối cùng là có 1 Công đoàn cơ sở được ra đời.
Thực hiện chủ trương của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thời gian qua, Liên đoàn Lao động thành phố (LĐLĐ TP) đã tích cực triển khai công tác này và đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Ông Nguyễn Đức Thanh – Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP, Trưởng ban chỉ đạo phát triển đoàn viên chia sẻ: “Đối với tổ chức Công đoàn, NLĐ là gốc rễ. Muốn tổ chức vững mạnh, cần lấy NLĐ làm chủ thể của mọi hoạt động. Việc thành lập Công đoàn cơ sở từ dưới lên, bắt đầu từ NLĐ và hoàn toàn do NLĐ quyết định. Ở đây, sẽ không có sự can thiệp của chủ doanh nghiệp vào cơ cấu Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở. NLĐ được quyền lựa chọn những người có tâm huyết, có năng lực, dám đấu tranh vì quyền lợi tập thể NLĐ để tín nhiệm vào hàng ngũ Ban Chấp hành”. Theo cách làm này, chất lượng đoàn viên sẽ được nâng lên khi NLĐ hoàn toàn tự nguyện gia nhập Công đoàn vì nhận thấy những điều mà Công đoàn sẽ làm được cho họ. Mối quan hệ giữa đoàn viên và Ban Chấp hành sẽ gần gũi và có sự hợp tác, tin tưởng. Một khi được thành lập độc lập với chủ doanh nghiệp, Công đoàn sẽ không chịu sự chi phối của người sử dụng lao động, tất cả mọi hoạt động đều lấy nền tảng là NLĐ, vì NLĐ, mục đích cuối cùng sẽ bảo vệ tốt nhất cho quyền lợi NLĐ.
Tính từ khi triển khai công tác vận động thành lập Công đoàn “từ dưới lên” đến nay, trên địa bàn thành phố, đã có 27 Công đoàn cơ sở ra đời xuất phát từ NLĐ. “Đây là kết quả của sự nỗ lực không mệt mỏi của anh em cán bộ Công đoàn. Chúng tôi đã bám sát NLĐ, tuyên truyền, vận động, thuyết phục để NLĐ hiểu về Công đoàn, tự nguyện gia nhập Công đoàn”, bà Phạm Thị Minh Thúy – Trưởng ban Tổ chức LĐLĐ TP chia sẻ. Theo bà Thúy, khó khăn lớn nhất của công tác này là phải tiếp cận NLĐ, tuyên truyền để công nhân lao động hiểu về Công đoàn, tự nguyện viết đơn gia nhập Công đoàn; lựa chọn trong nhóm NLĐ một lực lượng nòng cốt để có thể đảm nhận nhiệm vụ mà mọi người tin tưởng giao phó. Công việc này đòi hỏi sự sát sao của người làm Công đoàn, phải thực sự kiên trì để tiếp cận công nhân lao động vì không phải công nhân nào cũng sẵn sàng “mở lòng” với “người lạ”. Hơn nữa, với tư duy của NLĐ là chỉ muốn làm việc kiếm tiền, ngại tham gia với những hoạt động không phải của doanh nghiệp, vì thế, việc từ chối, nói không của NLĐ là bình thường. “Tuy nhiên, nhận thấy những mặt tích cực trong việc vận động thành lập Công đoàn cơ sở đi “từ dưới lên”, những cái được khi Công đoàn ra đời từ NLĐ nên cán bộ Công đoàn các cấp đã không ngừng nỗ lực, khắc phục khó khăn để công tác thành lập Công đoàn cơ sở đạt hiệu quả tốt nhất” bà Thúy cho biết.
Đánh giá về hoạt động này, ông Nguyễn Đức Thanh nhận định: “Từ khi có chủ trương của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cán bộ Công đoàn các cấp đã thực sự “vén tay áo”, bắt tay làm công việc mới. Những nỗ lực từ LĐLĐ TP đến cấp LĐLĐ quận huyện, Công đoàn ngành với mong muốn xây dựng một tổ chức Công đoàn vững mạnh từ gốc rễ. Trong thời gian tới, công tác này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh để Công đoàn thực sự lớn mạnh và vững vàng đối mặt với những thách thức mà Hiệp định kinh tế xuyên Thái Bình Dương mang đến”.
Ra mắt Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở mới
Trong ảnh: Ra mắt Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp Viesky (thuộc LĐLĐ quận Sơn Trà) theo điều 17 Điều lệ Công đoàn Việt Nam
Phan Hà