Đà Nẵng 24/03/2023

Công đoàn Việt Nam – Niềm tin người lao động

Thứ sáu, 26/07/2019

                        
 Ngô Xuân Thắng               
UV Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN   
Thành ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ TP ĐN

      Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân (GCCN) và người lao động (NLĐ) Việt Nam. Từ nửa cuối thế kỷ XIX, GCCN Việt Nam ra đời và phát triển gắn liền với quá trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Khi các nhà máy rượu bia, vải sợi, điện nước, ngành đường sắt, hầm mỏ, đồn điền cao su, cà phê... lần lượt ra đời thì những người công nhân Việt Nam đầu tiên xuất hiện. Họ là những người nông dân bị tước đoạt hết ruộng đất, những người thợ thủ công bị phá sản buộc phải vào làm việc trong các doanh nghiệp tư bản Pháp. Dưới sự áp bức, bóc lột hà khắc của thực dân, phong kiến, GCCN Việt Nam đã đoàn kết, tổ chức tập hợp nhau lại đấu tranh đòi quyền lợi, dẫn đến hình thành các Hội Ái hữu, Hội Tương tế trong các nhà máy, xí nghiệp. Cuối năm 1920, người công nhân yêu nước Tôn Đức Thắng đã vận động thành lập Công hội Ba Son ở Sài Gòn, mở đầu cho phong trào đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc. Quá trình hình thành và phát triển của Công đoàn Việt Nam gắn liền với quá trình hoạt động cách mạng của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong những năm đầu của thế kỷ XX. Tháng 6/1925, Người sáng lập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Những năm 1925 - 1928, dưới sự lãnh đạo của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, phong trào “Vô sản hóa” đã thâm nhập sâu rộng vào trong các nhà máy, xí nghiệp, hầm lò để tuyên truyền, vận động công nhân tích cực tham gia phong trào đấu tranh. Sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Đảng (6/1929) là kết quả của quá trình vận động, tổ chức công nhân mà đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là một trong những sáng lập viên và giữ vai trò quan trọng, trực tiếp phụ trách công tác vận động công nhân.
     Trước sự đòi hỏi và yêu cầu của phong trào công nhân, dưới sự lãnh đạo của Đông Dương Cộng sản Đảng, ngày 28/7/1929, tại số nhà 15 phố Hàng Nón - thành phố Hà Nội, đã diễn ra Đại hội thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ, bầu Ban Chấp hành Trung ương lâm thời do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh làm Hội trưởng. Sự kiện thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ là mốc son chói lọi trong lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam. Kể từ đây, GCCN Việt Nam có một đoàn thể cách mạng rộng lớn, hoạt động có tôn chỉ, mục đích, đứng ra dẫn dắt phong trào.
     Từ khi ra đời đến nay, Công đoàn Việt Nam luôn tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, với mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, đại diện bảo vệ lợi ích của GCCN, phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường; tổ chức, vận động đoàn viên, NLĐ đi đầu trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
     90 năm qua là chặng đường lịch sử vẻ vang của Công đoàn Việt Nam. Với những tên gọi khác nhau để phù hợp hoàn cảnh của mỗi giai đoạn cách mạng như: Công hội đỏ (thời kỳ 1929 - 1935), Nghiệp đoàn ái hữu (1936 - 1939), Hội công nhân phản đế (1939 - 1941), Hội công nhân cứu quốc (1941 - 1946), Tổng LĐLĐ Việt Nam (1946 - 1961), Tổng Công đoàn Việt Nam (1961 - 1988) và Tổng LĐLĐ Việt Nam từ năm 1988 đến nay. Đại hội lần thứ V Công đoàn Việt Nam tháng 11/1983 đã quyết định lấy ngày 28/7/1929 là Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.
     Bước vào thời kỳ thực hiện đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động hội nhập văn hóa, kinh tế thế giới, Công đoàn đã chú trọng đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động. Qua đó đã khẳng định được vai trò tiên phong của GCCN Việt Nam, góp phần tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố QPAN của đất nước; Công đoàn Việt Nam đã chứng tỏ là tổ chức duy nhất, có đủ bản lĩnh và năng lực đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và NLĐ.
     Phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn thành phố Đà Nẵng cũng trải qua 90 năm xây dựng và phát triển rất đáng tự hào. Cùng với cả nước, đội ngũ công nhân Đà Nẵng đã ra đời và lớn mạnh, không chỉ tăng mạnh về số lượng, ổn định về cơ cấu mà còn trưởng thành nhanh chóng về ý thức giai cấp. Từ giữa năm 1927 đến 1929, phong trào công nhân Đà Nẵng lên cao hơn bao giờ hết, thường xuyên nổ ra các cuộc đấu tranh và ủng hộ các cuộc đấu tranh của công nhân đòi không được đánh đập, đuổi thợ, cúp lương của công nhân, đòi tăng lương, tăng giờ ăn sáng... Tháng 12/1929, Tổng Công hội Đỏ Đà Nẵng được thành lập. Cuối tháng 3/1930, Đảng bộ thành phố Đà Nẵng ra đời, đó là một bước ngoặt quan trọng, đánh dấu một thời kỳ mới của phong trào yêu nước và cách mạng của đội ngũ công nhân, nhân dân lao động của Đà Nẵng, góp phần đưa phong trào công nhân, lao động và Công đoàn của thành phố tiến lên một bước mới. Dưới sự lãnh đạo cuả Đảng, phong trào công nhân, lao động Đà Nẵng chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã ghi lại nhiều chiến công hiển hách. Sau ngày hòa bình, trong công cuộc xây dựng, đổi mới và phát triển đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn thành phố đã không ngừng phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, thực hiện tốt chức năng bẩm sinh của mình: chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.


   
     Ngày 01/01/1997, Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, từng bước xây dựng thành phố trở thành một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ của miền Trung và cả nước. Với sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố, đội ngũ công nhân, NLĐ đã có bước chuyển mình cả về số lượng, trình độ và kỹ năng lao động. Sau hơn 22 năm, đội ngũ công nhân viên chức, lao động thành phố đã có nhiều đóng góp quan trọng. Đến thời điểm này, thành phố có 127.083 đoàn viên/140.473 CNVCLĐ của 1.783 CĐCS. Đây là nguồn nhân lực quan trọng tham gia trực tiếp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Với phương châm “Hướng mạnh hoạt động về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động, lấy đoàn viên, CNVCLĐ làm đối tượng vận động”, các cấp công đoàn thành phố không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tích cực chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp và góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tuyên truyền, giáo dục ý thức chính trị, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghề nghiệp cho CNVCLĐ, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của thành phố.   Các chương trình phúc lợi cho đoàn viên như “Tết Sum vầy”, “Chuyến xe Công đoàn”, Điểm bán hàng giá ưu đãi, “Tháng Công nhân”, “Lễ cưới tập thể đoàn viên”, trao tặng nhà “Mái ấm Công đoàn”, “Quỹ trợ vốn CNVCLĐ nghèo thành phố”... làm tăng thêm niềm tin của đoàn viên, NLĐ vào tổ chức Công đoàn. Những phong trào thi đua của Công đoàn ngày càng lan tỏa sâu rộng. Trong 5 năm trở lại đây, đã có 5.405 sáng kiến cải tiến kỹ thuật của CNVCLĐ làm lợi hơn 113 tỷ đồng; 65 đồng chí được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo. LĐLĐ thành phố và các cấp công đoàn thường xuyên tổ chức các hoạt động tôn vinh CNLĐ tiêu biểu trong phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, tuyên dương cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo”, tuyên dương Chủ tịch CĐCS tiêu biểu, tôn vinh “Doanh nghiệp chăm lo tốt đời sống NLĐ”... Với những kết quả đạt được, LĐLĐ thành phố đã vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì, nhiều lần nhận Cờ thi đua Chính phủ, liên tục nhận Cờ thi đua của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam. Đây là nguồn động viên lớn lao cho phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn thành phố trên chặng đường mới.
     Hướng đến kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, cùng với cả nước, các cấp Công đoàn thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho đoàn viên lập thành tích chào mừng sự kiện trọng đại của tổ chức mình. Chương trình “Tết Sum vầy 2019”, các cơ quan, doanh nghiệp, các cấp Công đoàn thành phố đã tặng hàng nghìn suất quà với tổng kinh phí trên 100 tỉ đồng cho ĐV&NLĐ có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức 50 “Chuyến xe Công đoàn” đưa hơn 2.000 lượt ĐV&NLĐ có hoàn cảnh khó khăn về quê ăn Tết. Công trình “90 Mái ấm Công đoàn” tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng với mong muốn chia sẻ phần nào khó khăn, giúp đoàn viên, CNVCLĐ ổn định chổ ở, yên tâm lao động, công tác. “Tháng Công nhân” năm 2019 tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp, tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền, doanh nghiệp. Với chủ đề “Mỗi Công đoàn cơ sở - Một lợi ích đoàn viên”, thông qua việc thực hiện các chương trình “Phúc lợi cho đoàn viên Công đoàn”, “Hoạt động cảm ơn thành viên” đã tạo bước chuyển biến quan trọng trong nhận thức về hoạt động Công đoàn theo hướng mang lại lợi ích thiết thực nhiều hơn cho NLĐ, thể hiện rõ hơn vai trò của tổ chức Công đoàn trong công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của NLĐ.
     Các hoạt động kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam còn tập trung vào các hoạt động chăm lo khác như khởi công xây dựng Công trình nhà ở công nhân Khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 1 - quà tặng của Ban Thường vụ Thành ủy cho CNLĐ; Điểm bán hàng ưu đãi phục vụ CNLĐ tại các Khu Công nghiệp; Gặp mặt, đối thoại và tặng quà cho 200 cán bộ Công đoàn cơ sở khó khăn; Hội thi cán bộ Công đoàn giỏi, Lễ tuyên dương, trao học bổng cho con CNVCLĐ vượt khó, học giỏi; thực hiện chương trình của UBND thành phố về lắp đặt hệ thống wifi miễn phí tại các khu dân cư tập trung công nhân sinh sống; chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ CNLĐ... nhằm chăm lo nhiều hơn nữa cho đoàn viên, NLĐ. Để tôn vinh các chủ tịch CĐCS đã có thành xuất sắc trong tổ chức hoạt động Công đoàn tại cơ sở, LĐLĐ thành phố quyết định trao tặng “Giải thưởng 28 tháng 7” cho 90 đồng chí Chủ tịch CĐCS tiêu biểu. Đây là những anh chị đầy tâm huyết trong hoạt động Công đoàn, năng động, sáng tạo, đóng góp vào sự phát triển của đơn vị, doanh nghiệp, được đoàn viên, NLĐ tín nhiệm, yêu mến.


   
     Đất nước đang bước vào thời kỳ hội nhập mới, đặt ra cho Công đoàn Việt Nam nhiều cơ hội và thách thức mới. Cùng với đó, hoạt động của CNVCLĐ và Công đoàn thành phố sẽ phải có những bước đi phù hợp với hoàn cảnh mới. Công đoàn vừa phải nỗ lực thu hút, tập hợp, phát triển đoàn viên; đồng thời, vừa phải giữ vững vị trí, vai trò là tổ chức chính trị - xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng để đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ. Phát huy truyền thống vẻ vang 90 năm xây dựng và phát triển của GCCN và Công đoàn Việt Nam, trong thời gian đến, các cấp          Công đoàn thành phố tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau:
       1. Phát triển đa dạng, hiệu quả các hoạt động chăm lo lợi ích cho đoàn viên, NLĐ. Nâng cao năng lực đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho NLĐ, cán bộ Công đoàn; chủ động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
       2. Tiến hành thường xuyên, đồng bộ, chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục, góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động cho NLĐ. Chủ động thông tin về tổ chức và hoạt động Công đoàn, chú trọng công tác định hướng thông tin trên Internet và mạng xã hội.
       3. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động công đoàn; chú trọng công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở gắn liền với việc nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Công đoàn; đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
       4. Phát động các phong trào thi đua yêu nước, vận động đoàn viên, CNVCLĐ ra sức học tập, lao động, sáng tạo, đồng hành cùng Đảng bộ và chính quyền thành phố thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
     Để có được những thành quả hôm nay, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ thành phố, là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, sâu sát, thường xuyên, kịp thời của Ban Thường vụ Thành ủy; sự chỉ đạo, hướng dẫn, đầu tư của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; sự phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi của HĐND, UBND, UBMTTQVN và các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố. Đặc biệt là sự cống hiến, sự quan tâm, theo dõi, chia sẻ và góp ý chân tình của nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo Công đoàn đi trước với phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn thành phố. GCCN và tổ chức Công đoàn thành phố trân trọng cảm ơn những tình cảm lớn lao, sự quan tâm sâu sắc của các đồng chí. Thời gian tới, các cấp Công đoàn mong muốn sẽ tiếp tục đón nhận sự quan tâm, tạo điều kiện của các đồng chí để tổ chức Công đoàn hoạt động hiệu quả hơn nữa, xứng đáng với truyền thống hào hùng của Công đoàn Việt Nam và của Thành phố Đà Nẵng anh hùng.
 
Xem tin khác
Hình ảnh hoạt động
Đường dây nóng

Mọi thông tin tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ qua :
 02363. 822. 262
 0905.606.179

 0932.402.555

Lượt truy cập
04069814
Hôm nay:569
Tất cả:04069814
Đang trực tuyến:58
CLB Doanh Nghiệp chăm lo tốt đời sống người lao động
Bootstrap Slider

Designed and Maintained byThiết kế website Đà Nẵng, DANAWEB.vn