Riêng Liên đoàn Lao động quận Hải Châu là đơn vị đã đầu tư tổ chức 03 lớp tập huấn về thương lượng, ký kết TƯLĐTT cho cán bộ Công đoàn ở các đơn vị mới thành lập, sau tập huấn tỉ lệ thương lượng, ký kết TƯLĐTT ở các doanh nghiệp tăng lên đáng kể (17/30 bản). Đồng chí Trần Thanh Bình, Chủ tịch LĐLĐ quận phấn khởi cho biết: những bản thỏa ước mới có nhiều nội dung có lợi hơn cho người lao động, ngoài tiền lương, tiền thưởng, phúc lợi khác… có lợi hơn, thì bữa ăn giữa ca cũng đã được các CĐCS thương lượng đưa vào thỏa ước, Liên đoàn Lao động quận Hải Châu đang tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các CĐCS còn lại tiếp tục thương lượng, ký kết nhằm hoàn thành chỉ tiêu được giao.
Đối với Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Đà Nẵng, Chủ tịch Đinh Thị Thanh Hà vui mừng và đồng tình với Nghị quyết 7c của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về chất lượng bữa ăn ca của người lao động, Nghị quyết 7c chỉ với một nội dung cụ thể "đảm bảo bữa ăn ca của người lao động với mức thấp nhất là 15.000 đồng (Mười lăm ngàn đồng), khuyến khích các doanh nghiệp nâng mức bữa ăn ca cao hơn", khi triển khai thực hiện, nghị quyết đã thực sự đáp ứng được mong muốn của người lao động và ban chấp hành CĐCS và là điều kiện để CĐCS thương lượng và đưa vào nội dung bản TƯLĐTT. Đến thời điểm hiện tại KCN có trên 90% doanh nghiệp chi bữa ăn ca của người lao động trên mức 15.000đ/ người, có DN bữa ăn ca của người lao động đạt mức 25.000đ.
Qua các lớp tập huấn về thương lượng, ký kết TƯLĐTT nhiều CĐCS đã chia sẻ việc thương lượng với người sử dụng lao động để đạt được những điều có lợi hơn cho người lao động thực sự cũng rất khó khăn, có nhiều lý do khác nhau như: CĐCS chưa thật sự mạnh dạn, tự tin trong thương lượng, còn bị áp lực là người làm công ăn lương, thiếu thiện chí và bình đẳng giữa 2 bên; cũng có ý kiến cho rằng cán bộ Công đoàn còn thiếu kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức pháp luật và chưa có sự đồng thuận trong Ban Chấp hành.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, một số cán bộ Công đoàn cũng đã trao đổi một số kinh nghiệm trong hoạt động của mình, ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Chủ tịch CĐ Công ty CP XNK Thủy sản Miền trung chia sẻ: “ Khi người sử dụng lao động đã nhận thức người lao dộng là tài sản của doanh nghiệp, BCH Công đoàn Công ty đã trình bày và đề xuất các giải pháp để ban giám đốc hiểu, chăm lo cho công nhân chính là giữ nguồn vốn quý nhất của doanh nghiệp. Đời sống, tư tưởng ổn định, thì công nhân mới có thể an tâm làm việc”. Chủ tịch CĐ Công ty CP Thép Dana Ý cho biết "Nắm bắt đúng thời cơ, kiên trì và quyết liệt là bí quyết để Công đoàn cơ sở thương lượng thành công các TƯLĐTT với nhiều điều có lợi cho người lao động" và “Để thương lượng TƯLĐTT thành công, có lợi cho NLĐ, nội dung thương lượng phải hài hòa lợi ích giữa NLĐ và chủ DN”. Còn ông Hồ Sỹ Tân, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH VinaKad cho biết thêm: “Khi thương lượng, BCH CĐCS không nên nóng vội, chủ DN thường có thói quen "từ chối" ngay từ câu đầu tiên. Cán bộ CĐ cần kiên nhẫn, thuyết phục bằng những dẫn chứng hết sức cụ thể. Cán bộ CĐ cũng không nên tự ti, lo ngại vì việc mình đang làm là vì tập thể, vì lợi ích chung của NLĐ, chứ không vì cá nhân. Nếu nội dung thương lượng không thành ngay thì cũng nên vui vẻ, vì có khi chủ DN muốn thử ý chí của mình”.
Nói chung để thương lượng có lợi hơn cho người lao động, các Công đoàn cơ sở cần chủ động, thu thập kỹ các thông tin, chuẩn bị kỹ các nội dung thương lượng, phân công, phân vai trong tổ thương lượng; tự tin, bình tĩnh, chọn thời điểm, địa điểm để người sử dụng lao động và Công đoàn tiến hành thương lượng, quá trình thương lượng cần tuân thủ quan điểm: "Thuyết phục thông qua thương lượng; quyết định thông qua quyền lực; đạt được mục đích thông qua thuyết phục hơn là thông qua quyền lực", nhằm giữ vững mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và phát triển./.
KỲ THU