Danh mục

Phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong công tác giám sát, phản biện xã hội
Sau 10 năm triển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội (viết tắt Quyết định số 217-QĐ/TW), Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố đã có nhiều giải pháp tích cực, đạt được nhiều kết quả nhất định, qua đó, phát huy vai trò giám sát, phản biện của mình.

Nguyễn Thanh Hùng - 06/10/2023 09:18 - 861 Lượt xem

     Phát huy vai trò giám sát của tổ chức công đoàn

     Căn cứ văn bản hướng dẫn của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Thành ủy Đà Nẵng, Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố kịp thời xây dựng và ban hành các kế hoạch, chương trình, hướng dẫn cụ thể để các cấp công đoàn thành phố chủ động thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội. Đặc biệt trong đó là ban hành kế hoạch số 11/HD-LĐLĐ ngày 16/6/2014 về thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội của các cấp công đoàn thành phố. Hàng năm, các cấp công đoàn định kỳ giám sát việc triển khai thực hiện các nghị định của Chính phủ về quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng làm việc. Kết quả 100% các cấp công đoàn đã thực hiện tốt việc giám sát doanh nghiệp.
    10 năm qua, các cấp công đoàn phối hợp với chính quyền, các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện pháp luật lao động tại hơn 1.700 lượt doanh nghiệp. Thông qua hoạt động kiểm tra, kiến nghị với các cơ quan chức năng xử lý vi phạm, giải quyết vướng mắc, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Song song đó, công đoàn thực hiện chức năng giám sát thông qua việc phối hợp thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Đến nay, có trên 62% doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn ban hành quy chế dân chủ ở cơ sở. Hàng năm, có 100% cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức. Số doanh nghiệp nhà nước tổ chức hội nghị người lao động đạt 100%; số doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập tổ chức hội nghị người lao động đạt khoảng 54,3%; 100% cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước có ban thanh tra nhân dân; 100% công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ký quy chế phối hợp với chính quyền đồng cấp.
     Các cấp công đoàn triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 7c của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam về "Chất lượng bữa ăn ca của người lao động", tập huấn kiến thức và giám sát 17 doanh nghiệp có bếp ăn tập thể; đưa chất lượng bữa ăn ca vào thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, mức ăn ca bình quân chung từ 20.000đ - 25.000đ/suất.
    LĐLĐ thành phố đã chủ động phối hợp với BHXH thành phố tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát, kịp thời giải quyết những vướng mắc về thực hiện các chính sách pháp luật BHXH, BHYT, đảm bảo quyền lợi của người lao động. Ngoài ra, LĐLĐ thành phố đã cử cán bộ tham gia cùng đoàn Giám sát Mặt trận Tổ quốc thành phố: Giám sát cán bộ công chức, đảng viên trên địa bàn thành phố trong việc chấp hành thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng và tiếp tục thực hiện việc giám sát cán bộ công chức, đảng viên sinh hoạt tại khu dân cư năm 2017; Giám sát hoạt động của đại biểu dân cử trên địa bàn thành phố nhiệm kỳ 2016-2021; Giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở; giám sát việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng và lãng phí tại một số địa phương; giám sát công tác bầu cử nhiệm kỳ 2016-2021 và nhiệm kỳ 2021-2026; Giám sát việc triển khai công tác phòng, chống tham nhũng - lãng phí, thực hiện Nghị quyết TW 4 khóa 12 và Quy định số 06-QĐ/TU; Giám sát việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Giám sát việc chi hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ…

    Làm tốt công tác phản biện xã hội

    Song song với công tác giám sát, Công đoàn thành phố phát huy vai trò trong phản biện xã hội. LĐLĐ thành phố chủ động tổ chức lấy ý kiến của cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động đối với nhiều nội dung quan trọng.
    Điển hình như năm 2020, tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý xây dựng văn kiện Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025, kết quả có 30 ý kiến tham gia góp ý; Hội nghị lấy ý kiến góp ý phản biện của các tầng lớp Nhân dân đối với Dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được 39 ý kiến góp ý đối với dự thảo Báo cáo Chính trị của Trung ương Đảng. Năm 2022, tổ chức lấy ý kiến của các đồng chí cán bộ công đoàn chủ chốt trực thuộc Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng góp ý dự thảo Hướng dẫn đánh giá chất lượng TƯLĐTT. Năm 2023, tổ chức Hội thảo góp ý Luật đất đai sửa đổi và tổng hợp được 12 ý kiến của các chuyên gia và 20 đại biểu đại diện đoàn viên, người lao động; phối hợp tổ chức Chương trình tiếp xúc cử tri của Quốc hội và Hội đồng nhân dân thành phố với cử tri là công nhân lao động.
    Ngoài ra, từ năm 2013 - 2023, theo chức năng, nhiệm vụ, LĐLĐ thành phố đã tham gia đầy đủ các hội nghị phản biện do Ủy ban MTTQVN thành phố chủ trì, triệu tập. 100% các văn bản, vấn đề các cấp đề nghị tham gia góp ý, phản biện, LĐLĐ thành phố đều có văn bản trả lời theo đúng chức năng, nhiệm vụ của tổ chức.
    Có thể thấy, sau 10 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, LĐLĐ thành phố đã góp phần phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong công tác giám sát và phản biện xã hội. Các hoạt động giám sát, phản biện về cơ bản đảm bảo các bước theo quy định, sâu sát cơ sở và nắm địa bàn, nhận định và kiến nghị qua giám sát ngày càng có chất lượng, phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng được việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên.
 
HÀ LAM
Trang: 1 / 9