Danh mục

Nữ cán bộ Công đoàn “đa năng” - Bài cuối: Tận tâm, mẫn cán
Không chỉ là “chị Luật” của công nhân lao động, chị Lê Thị Ngọc Oanh - Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, LĐLĐ TP. Đà Nẵng còn xông xáo vận động thành lập tổ chức Công đoàn, tích cực tham gia các hoạt động chăm lo cho người lao động và các phong trào của ngành...

Nguyễn Thanh Hùng - 31/07/2024 10:03 - 864 Lượt xem

     Gặp doanh nghiệp “khó tính” cũng không nản lòng
     Tháng 4/2015, chị Lê Thị Ngọc Oanh được Ban Thường vụ LĐLĐ TP Đà Nẵng điều động, phân công làm Phó Chủ tịch Công đoàn Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp (KCNC & CKCN) Đà Nẵng.
     Công đoàn KCNC & CKCN phụ trách 7 KCN trên địa bàn thành phố với hàng nghìn doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động. Trong thực tế, nhiều doanh nghiệp hoạt động đều hướng đến lợi nhuận sản xuất, ít quan tâm đến việc thành lập các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, kể cả công đoàn.
     Khi không muốn tham gia tổ chức Công đoàn, nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách né tránh khi cán bộ công đoàn liên hệ gặp gỡ, tuyên truyền, vận động. Để thành lập được tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước và phát triển đoàn viên vô cùng khó khăn, đòi hỏi tổ chức Công đoàn, mỗi cán bộ chuyên trách công đoàn phải thực sự nỗ lực.
     Bản thân chị Lê Thị Ngọc Oanh phải vận dụng nhiều khả năng, phương pháp, trong đó chú trọng đến phương châm “mưa dầm thấm lâu”.
 
Bên cạnh bảo vệ quyền lợi cho công nhân, người lao động, chị Lê Thị Ngọc Oanh (ngoài cùng, bên phải) tích cực vận động và thành lập công đoàn cơ sở. Ảnh: AN NHIÊN
 
     Chị Oanh phải tự trang bị cho mình nhiều kiến thức, kỹ năng trong việc vận động thành lập tổ chức Công đoàn, đặc biệt là vận dụng các quy định của pháp luật cũng như bản tính kiên nhẫn, nếu không sẽ bỏ cuộc ngay từ lần đầu tiếp cận.
     Tính kiên trì, nhẫn nại đó đã giúp chị Oanh vận động thành lập được nhiều công đoàn cơ sở (CĐCS) trong khu công nghiệp, trong đó có những đơn vị, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài “khó tính”.
 
Chị Lê Thị Ngọc Oanh (ngoài cùng, bên phải) tặng hoa chúc mừng Ban Chấp hành một CĐCS vừa được thành lập. Ảnh: AN NHIÊN
     
     Chị Oanh nhớ lại có lần chị tiếp cận, vận động một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hoạt động tại KCNC Đà Nẵng. Doanh nghiệp này chuyên hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện cao cấp, đội ngũ công nhân lành nghề có trình độ chuyên môn cao nhưng việc thành lập tổ chức Công đoàn vô cùng khó khăn.
     Nhiều năm làm Công đoàn, đi nhiều, tiếp xúc nhiều, chị Oanh thông qua các mối quan hệ để tìm cách tiếp cận người đại diện theo pháp luật của công ty. Tuy nhiên, để gặp được chủ doanh nghiệp hoặc người đại diện doanh nghiệp là một việc hết sức khó khăn, như “mò kim đáy bể”. Nhiều lần tiếp cận, đặt vấn đề nhưng không gặp, chị Oanh cũng như các đồng nghiệp trong Ban Thường vụ Công đoàn KCNC&CKCN không hề nản lòng. Bởi tất cả xác định, trong điều kiện mà thành phố Đà Nẵng đang ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào hoạt động, với trách nhiệm của mình, buộc phải vận động, thành lập CĐCS và phát triển đoàn viên.
     Kiên trì “theo đuổi” bằng nhiều cách, cuối cùng chị cũng gặp được người ủy thác của chủ doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi gặp được người được ủy thác thì họ tỏ thái độ gay gắt, kiên quyết từ chối thành lập tổ chức Công đoàn. Điều này cũng nằm trong suy nghĩ mà chị cùng đồng nghiệp đã nghĩ tới, bởi lẽ, việc tiếp cận đã khó thì chắc hẳn, phía doanh nghiệp đã có mấy thiện chí và mặn mà với tổ chức Công đoàn. Không nản, không bỏ cuộc, quyết đeo bám, năm này không thành lập được thì năm sau, đó là sự kiên quyết và quyết tâm mà chị Oanh nói với các đồng nghiệp lúc bấy giờ.
     Để chủ doanh nghiệp hiểu và tự nguyện thành lập tổ chức Công đoàn, Công đoàn KCNC&CKCN Đà Nẵng hết mình hỗ trợ cho công ty, công nhân; trong đó đại diện ký nội quy cho công ty, hỗ trợ giải đáp các thắc mắc liên quan đến các quyền, lợi ích hợp pháp của công nhân trong công ty. Đặc biệt, trong thời điểm xảy ra dịch bệnh Covid-19, Công đoàn KCNC&CKCN Đà Nẵng đã hỗ trợ cho người lao động, hỗ trợ doanh nghiệp trong thực hiện “3 tại chỗ”.
 
Chị Lê Thị Ngọc Oanh (thứ 2, trái sang) dự cắt băng khánh thành công trình chào mừng đại hội CĐCS Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Tường Hựu. Ảnh: AN NHIÊN
 
     Sự kiên trì, nhẫn nại của tập thể Công đoàn KCNC & CKCN Đà Nẵng đã giúp lãnh đạo doanh nghiệp hiểu được quyền lợi mà tổ chức Công đoàn mang lại. Cuối cùng, người ủy thác của công ty từng thằng thừng từ chối thành lập tổ chức công đoàn đã liên hệ với chị để tiến hành các thủ tục thành lập CĐCS.
     Sau hơn 1 năm đeo bám, vận động với nhiều biện pháp linh hoạt của chị Phó Chủ tịch và các anh chị trong Công đoàn KCNC & CKCN, một CĐCS mới được thành lập, với hơn 700 đoàn viên.
     “Cho đến nay, chủ doanh nghiệp rất quan tâm hoạt động của công đoàn, tiếp tục phát triển đoàn viên. Đội ngũ cán bộ CĐCS cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền lợi của người lao động trong công ty”, chị Oanh vui mừng chia sẻ.
     Không chỉ theo phương pháp gặp gỡ chủ doanh nghiệp, chị Lê Thị Ngọc Oanh còn tiến hành thành lập CĐCS theo phương pháp tiếp xúc người lao động theo khoản 1, Điều 17, Điều lệ Công đoàn Việt Nam. “Đây không phải là phương pháp mới vì các cấp Công đoàn thành phố đã thực hiện và mang lại những hiệu quả ban đầu. Tuy nhiên, đây là phương pháp khó, việc vận dụng gặp nhiều trở ngại”, chị Oanh chia sẻ.
     Dẫu vậy, với phương pháp này và bằng khả năng của mình, chị Lê Thị Ngọc Oanh đã thực hiện thành công ở nhiều doanh nghiệp. Chị cùng đồng nghiệp phát tờ rơi, gặp gỡ từng người lao động sau giờ làm việc để tuyên truyền, vận động, giúp họ hiểu về công đoàn, thấy được quyền lợi khi gia nhập tổ chức Công đoàn. Nhờ vậy, nhiều CĐCS ra đời từ nhu cầu của chính người lao động.
     Theo chị Oanh, sau khi thành lập được, công đoàn cấp trên cơ sở tiến hành giao lại cho CĐCS để tiếp tục phát triển đoàn viên, đồng thời, cán bộ công đoàn tích cực “cầm tay, chỉ việc”, hỗ trợ cho cán bộ công đoàn về chuyên môn, nghiệp vụ cho đến khi đội ngũ cán bộ CĐCS “vững tay” và duy trì sự hỗ trợ mỗi khi CĐCS cần sự giúp đỡ. Bên cạnh đó, khi người lao động xin thôi không tham gia tổ chức Công đoàn thì hướng dẫn cho CĐCS về nghiệp vụ để vận động đoàn viên ở lại tham gia tổ chức Công đoàn.
     Gieo hình ảnh đẹp trong lòng nhiều người lao động
     Từ những ngày còn làm chuyên viên đến Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động và Phó Chủ tịch Công đoàn KCNC & CKCN Đà Nẵng, chị Lê Thị Ngọc Oanh luôn xông xáo trên mọi hoạt động.
     Để công nhân nắm rõ các Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội cũng như các chính sách liên quan, đồng chí thường xuyên tham mưu và đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Hằng tuần, chị đều đến tuyên truyền cho công nhân các doanh nghiệp. Để không nhàm chán cho công nhân, chị luôn sáng tạo nội dung tuyên truyền; chia nhỏ vấn đề và tập trung vào những vấn đề mà người lao động đặc biệt quan tâm như: Chính sách về thai sản, tiền lương, bảo hiểm thất nghiệp, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, hợp đồng lao động. Đồng thời, giải đáp kịp thời mọi thắc mắc khi người lao động hỏi đến các vấn đề liên quan. Trong nhiều năm, chị Oanh cùng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, Công đoàn KCNC & CKCN Đà Nẵng tổ chức nhiều lớp tuyên truyền, với hàng chục nghìn công nhân tham gia.
     Song song đó, chị Lê Thị Ngọc Oanh tích cực tham gia vào công tác hướng dẫn ký kết thỏa ước lao động tập thể nhằm nâng cao quyền lợi của công nhân lao động; tham mưu, xây dựng kế hoạch cho Công đoàn KCNC & CKCN để hỗ trợ đời sống cho người lao động khó khăn.
     Trong đại dịch Covid-19, chị Oanh cùng các cán bộ của Công đoàn KCNC & CKCN thường xuyên đến các “điểm nóng” để hỗ trợ cho công nhân bị cách ly; thăm hỏi, tặng quà cho công nhân tại các khu nhà trọ; hỗ trợ hoạt động “3 tại chỗ”.
     Trong các đợt hỗ trợ cho công nhân khó khăn vào các dịp lễ, tết, Tháng Công nhân, không khó để thấy bóng dáng chị Oanh lẫn trong những anh chị áo xanh công đoàn cấp phát quà cho người lao động. Bởi theo chị, dù là lãnh đạo hay chuyên viên, thì trong mọi hoạt động cần phải xông xáo, “xắn tay áo” cùng đồng hành với anh chị em. Có như vậy thì công việc mới trôi chảy, mới thuận lợi cho người lao động. Chính nhờ đó, hình ảnh của chị Oanh đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng của nhiều công nhân lao động.
     “Bản thân nhiều lần được nghe chị Oanh tuyên truyền. Các vấn đề chị nói rất gần gũi, thiết thực, gắn với thực tế quyền lợi của công nhân trong mối quan hệ với chủ doanh nghiệp. Qua đó, giúp công nhân chúng tôi có thêm kiến thức về pháp luật để có thể tự bảo vệ quyền lợi của bản thân”, chị Lê Thị Hằng, công nhân may mặc tại KCN Hòa Khánh, bày tỏ.
     Tháng 5/2024, chị Lê Thị Ngọc Oanh được Chủ tịch LĐLĐ TP. Đà Nẵng bổ nhiệm chức vụ Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động.
     Chị Oanh cho biết, đây là vinh dự lớn, cũng là trách nhiệm nặng nề. Để xứng đáng với sự quan tâm của Thường trực, Ban Thường vụ LĐLĐ TP Đà Nẵng, trong thời gian tới, bản thân chị sẽ nỗ lực hơn nữa trong công tác tham mưu; đồng thời tích cực thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn, góp phần xây dựng công đoàn thành phố vững mạnh.
 
Chị Lê Thị Ngọc Oanh (giữa) vinh dự nhận dạnh hiệu “Điển hình tiến tiến tiêu biểu xuất sắc”. Ảnh: AN NHIÊN
     Với những nỗ lực cống hiến, chị Lê Thị Ngọc Oanh được Tổng LĐLĐ Việt Nam, UBND Thành phố, LĐLĐ thành phố Đà Nẵng tặng nhiều Bằng khen.
 
Nguồn: Tạp chí Lao động và Công đoàn
Trang: 1 / 15