Danh mục

Kỳ 3: Đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động

Một trong những nhiệm vụ quan trọng được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Đà Nẵng xác định trong nhiệm kỳ 2023-2028 là: Tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng và hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên và công nhân, viên chức, lao động. Trên tinh thần đó, công đoàn các cấp luôn nỗ lực thương lượng, nâng cao quyền lợi cho người lao động (NLĐ); đồng thời đại diện bảo vệ, đòi quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, NLĐ bị xâm phạm.

Thương lượng nâng cao quyền lợi

Xác định thương lượng tập thể và ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) là nội dung then chốt trong việc thực hiện tốt chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng, góp phần nâng cao đời sống, cải thiện điều kiện làm việc của đoàn viên, NLĐ, các cấp công đoàn thành phố Đà Nẵng đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các công đoàn cơ sở thực hiện thương lượng, ký kết TƯLĐTT trong doanh nghiệp.

Công ty CP Khu du lịch Bắc Mỹ An hiện có hơn 600 NLĐ. Những năm qua, ngoài lương, thưởng, Công ty chia sẻ phần hiệu quả hoạt động kinh doanh đến NLĐ với mức thưởng trung bình 2,44 triệu đồng/tháng vào 2022, hơn 4 triệu đồng/tháng vào 2023. Đặc biệt, trong TƯLĐTT có những điều khoản có lợi hơn cho NLĐ như: Mức lương thử việc bằng 90% mức lương cơ bản, tăng chính sách ngày nghỉ hàng năm dành cho cán bộ quản lý (16-20 ngày/năm), áp dụng gói chăm sóc sức khỏe cho các ban giám đốc, giám đốc bộ phận và người thân; bố trí bác sỹ y khoa tại công ty để thăm khám và cấp phát thuốc cho các trường hợp đau ốm.

Còn tại Công ty CP Dệt may 29-3, hằng năm Công ty phối hợp với công đoàn rà soát sửa đổi, bổ sung TƯLĐTT với những điều khoản có lợi hơn cho NLĐ so với luật định, như: Tặng quà cho NLĐ kết hôn; NLĐ nghỉ hưu được trợ cấp nửa tháng lương cho mỗi năm làm việc tại công ty tính từ năm thứ 16 trở đi; phụ cấp cho công nhân đang nuôi con nhỏ; sắp xếp nghỉ sản xuất tổng cộng 11 ngày liên tục để công nhân xa quê có điều kiện đoàn tụ ăn Tết cùng gia đình,…

Trong khi đó, Công đoàn Công ty TNHH kiến trúc và thương mại Á Châu không ngừng thương lượng, nâng cao giá trị bữa ăn ca lên 37.000 đồng/người; thưởng voucher giá trị từ 15.000 đồng - 30.000 đồng/ngày đối với NLĐ thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh ở các phân xưởng.

Công đoàn các cấp nỗ lực thương lượng, ký kết TƯLĐTT với nhiều điều khoản có lợi hơn cho NLĐ so với luật định. Trong ảnh, NLĐ Công ty CP Dệt may 29-3 nhận lì xì trong ngày làm việc đầu năm mới. Ảnh: TGCC.

Tại Chi nhánh Công ty TNHH Thực phẩm Ân Nam tại Đà Nẵng, ngoài các khoản phúc lợi theo quy định, doanh nghiệp đang thay NLĐ đóng 10,5% bảo hiểm xã hội, thuế thu nhập cá nhân, 1% đoàn phí công đoàn; mua bảo hiểm tai nạn cho tất cả NLĐ làm việc trong điều kiện nguy hiểm như: nhân viên kinh doanh, kho hàng,…

Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Lê Văn Đại, thời gian qua, chất lượng các bản TƯLĐTT ngày càng được nâng lên. Mỗi bản có ít nhất từ 3 điều khoản có lợi hơn cho NLĐ so với quy định pháp luật. Các điều khoản tập trung vào những cam kết thiết thực như: chất lượng, giá trị ăn giữa ca; hỗ trợ về nhà ở, thưởng năng suất lao động, thời giờ nghỉ ngơi; tiền lương, tiền thưởng, thực hiện chính sách lao động nữ,…Nghị quyết Đại hội Công đoàn thành phố lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2023-2028 xác định, 1 trong 3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ là tập trung đối thoại, thương lượng tập thể mang lại lợi ích cho đoàn viên, NLĐ, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, điều kiện và thời gian làm việc. Công đoàn thành phố hiện đang triển khai thương lượng để ký kết thỏa ước nhóm doanh nghiệp giai đoạn 2023-2025 trong thời gian tới.

Nhờ nâng cao chất lượng các TƯLĐTT, đoàn viên, NLĐ được chăm lo tốt hơn, gắn bó với doanh nghiệp, nỗ lực trong hoạt động sản xuất để mang lại nhiều giá trị. Trong ảnh, công nhân Công ty CP Dệt may 29-3 hăng say làm việc. Ảnh: TGCC.

Đòi quyền lợi giúp NLĐ

Không chỉ nỗ lực nâng cao quyền lợi cho NLĐ, khi quyền lợi NLĐ bị xâm phạm, công đoàn đứng ra đại diện bảo vệ, đòi lại quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, NLĐ. Vụ việc tranh chấp lao động xảy ra tại Công ty CP Dệt Hòa Khánh Đà Nẵng mới đây và sự can thiệp kịp thời của công đoàn các cấp thành phố là một ví dụ.

Theo đó từ tháng 6/2023, tình hình tài chính của Công ty trên bắt đầu gặp nhiều khó khăn, phần lớn tiền bán hàng dành để thực hiện các hợp đồng bảo đảm ngân hàng. Vì vậy, mặc dù vẫn có đơn hàng, NLĐ vẫn làm việc nhưng Công ty không đủ tài chính để thanh toán tiền lương và các chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) theo quy định.

Tính đến ngày 24/1/2024, Công ty chậm trả lương tháng 9, 10, 11, 12/2023 và tháng 1/2024; nợ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 12/2022 đến nay. Từ nguyên nhân trên, NLĐ nhiều lần yêu cầu Công ty đối thoại để giải quyết các vấn đề liên quan đến tiền lương và các chế độ bảo hiểm, tuy nhiên chưa được giải quyết.

Ngày 22/12/2023, Công đoàn Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp (Khu CNC và các KCN) nhận được đơn kiến nghị của 5 NLĐ kiến nghị về việc nợ lương và các chế độ bảo hiểm. Ban Thường vụ Công đoàn Khu CNC và các KCN đã làm việc nhiều lần với chủ doanh nghiệp, nhưng tất cả chỉ dừng lại ở lời hứa. Ngày 24/1/2024, Công đoàn Khu CNC và các KCN tổ chức đối thoại với Công ty. Tại đây, Công ty tiếp tục đưa ra cam kết lộ trình trả lương và BHXH, nhưng hết thời hạn vẫn không thực hiện.

Đầu tháng 2/2024, 20 NLĐ Công ty CP Dệt Hòa Khánh Đà Nẵng tìm đến LĐLĐ thành phố để “kêu cứu” về việc công ty nợ 4 tháng lương và BHXH trong khi Tết nguyên đán Giáp Thìn cận kề, đời sống NLĐ vô cùng khó khăn. Trước tình hình cấp bách, ngày 2/2/2024, LĐLĐ thành phố tổ chức buổi đối thoại giữa chủ doanh nghiệp và NLĐ, có sự tham gia của đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công đoàn Khu CNC và các KCN, Công đoàn Công ty và NLĐ.

Tại buổi đối thoại, Công ty cam kết sau 4 ngày sẽ thanh toán 2 tháng tiền lương, số lương còn lại và BHXH sẽ thanh toán sau Tết Nguyên đán. Thực hiện cam kết tại buổi đối thoại, ngày 4/2/2024, Công ty đã thanh toán 2 tháng tiền lương (tháng 9 và 10/2023) cho NLĐ. Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, Công ty chưa thực hiện đúng các cam kết về thanh toán tiền lương và các chế độ bảo hiểm.

Ngày 15/3/2024, Công đoàn Khu CNC và các KCN nhận được yêu cầu của 91 NLĐ về việc đề nghị công đoàn đại diện bảo vệ quyền lợi về lương và các chế độ bảo hiểm.

Công đoàn thành phố Đà Nẵng luôn nỗ lực đại diện bảo vệ, đòi lại quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, NLĐ. Trong ảnh, NLĐ Công ty CP Dệt Hòa Khánh Đà Nẵng nêu ý kiến tại buổi đối thoại với doanh nghiệp. Ảnh: TGCC.

Dưới sự chỉ đạo của LĐLĐ thành phố, Công đoàn Khu CNC và các KCN đã khẩn trương tiến hành các thủ tục để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. Từ ngày 15/3/2024 đến tháng 15/4/2024, Công đoàn Khu CNC và các KCN thực hiện nhiều động thái quyết liệt nhằm tiến hành khởi kiện doanh nghiệp. Trước sự can thiệp kịp thời của Công đoàn, ngày 17/4/2024, Công ty thanh toán 1,395 tỷ đồng cho BHXH thành phố, còn nợ tiền lương và trợ cấp thôi việc. Công đoàn Khu CNC và các KCN tiếp tục hỗ trợ NLĐ hoàn thành các thủ tục khởi kiện đòi quyền lợi.

Theo đại diện Ban Chính sách - Pháp luật, LĐLĐ thành phố, 71 đơn khởi kiện của 71 NLĐ tương ứng với 71 vụ việc đã được gửi đến Tòa án nhân dân quận Liên Chiểu. Hiện nay, Tòa án nhân dân quận Liên Chiểu đã thụ lý 44 vụ, 27 vụ đang tiến hành các thủ tục để thụ lý.

Cũng theo Ban Chính sách - Pháp luật, tất cả các chi phí liên quan đến hồ sơ khởi kiện được công đoàn thành phố hỗ trợ NLĐ. Tới đây, khi vụ việc được đưa ra xét xử, công đoàn các cấp tiếp tục đại diện, tham gia xét xử để đòi tiền lương và trợ cấp thôi việc cho NLĐ, tổng giá trị gần 2,9 tỷ đồng.

Giai đoạn 2018-2023, công đoàn các cấp tiếp 6.134 lượt đoàn viên, NLĐ qua nhiều hình thức, nhận 114 đơn khiếu nại, tố cáo. Công đoàn các cấp đã giải quyết và tham gia giải quyết các đơn thư. Kết quả có 320 đoàn viên, NLĐ được giải quyết tiền lương và các phúc lợi khác với số tiền gần 4,96 tỷ đồng.

Nguồn: Tạp chí Lao động và Công đoàn

Chỉ thị 05 Chỉ thị 05 Chỉ thị 05 Chỉ thị 05

Liên kết website

Hình ảnh hoạt động

CÁC DOANH NGHIỆP KÝ KẾT PHÚC LỢI