Nhằm triển khai các chương trình trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI Công đoàn Việt Nam, LĐLĐ TP đã xây dựng Chương trình số 15/CTr-LĐLĐ “Chương trình nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên và người lao động trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” với các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể phù hợp với tình hình thực tiễn đoàn viên, người lao động và các cấp Công đoàn thành phố. Theo đó, chỉ đạo các cấp Công đoàn tăng cường phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; kế hoạch, nội dung tuyên truyền về tầm quan trọng của việc học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp; làm tốt công tác tham mưu với các cấp uỷ, phối hợp với chính quyền đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, điều tra khảo sát, đánh giá thực trạng trình độ kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên, người lao động; tổ chức thương lượng, đối thoại với chủ sử dụng lao động về nhiệm vụ nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp; thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, đối thoại để người sử dụng lao động hiểu về nhiệm vụ và ý nghĩa thiết thực của việc nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của người lao động; đưa nội dung học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động vào nội dung Nghị quyết Hội nghị người lao động, nội quy, quy chế của doanh nghiệp.
Qua 5 năm, đã có 116.183 lượt người (trên tổng số 137.127 công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) được tuyên truyền về học tập nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, 48.216 người được tuyên truyền về kỹ năng sống. Các cấp Công đoàn đã tổ chức gần 500 lớp tuyên truyền miệng; hơn 1.200 cuộc thi, buổi nói chuyện chuyên đề; xây dựng và phát hành trên 5.000 tài liệu, 200 đĩa CD phục vụ tuyên truyền. Hiện nay, 100% cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp đưa công tác nâng cao trình độ học vấn cho CNVCLĐ vào Nghị quyết Hội nghị cán bộ công chức, 368/681 doanh nghiệp đưa vào thỏa ước lao động tập thể. 100% đoàn viên, công chức, viên chức có nhu cầu nâng cao trình độ đều được tạo điều kiện về kinh phí và thời gian để học tập. Riêng công nhân lao động ở khối sản xuất kinh doanh được doanh nghiệp tạo điều kiện phát huy sáng kiến, cải tiến công nghệ với 5.618 sáng tiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất đã ra đời, làm lợi 163 tỷ, hoàn thành 890 đề tài khoa học các cấp, 69 CNVCLĐ được tặng Bằng Lao động sáng tạo, nhiều doanh nghiệp tổ chức cho người lao động thi nâng bậc, thi tay nghề giỏi…
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, công tác nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên, người lao động vẫn còn nhiều khó khăn. Nhiều Công đoàn cơ sở chưa đàm phán, thương lượng được với người sử dụng lao động đưa nội dung học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của người lao động vào thỏa ước lao động tập thể; ở những doanh nghiệp thương lượng được cũng chủ yếu là nội dung đồng ý tạo điều kiện để tổ chức tuyên truyền. Sự chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, hỗ trợ, phối hợp của chính quyền và vai trò tham gia của Công đoàn trong việc tuyên truyền, vận động và triển khai các hình thức nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp cho CNVCLĐ hiệu quả còn thấp, nhất là ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tại nhiều doanh nghiệp chỉ tập tập trung chủ yếu vào nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, chưa nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của công tác nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp của CNVCLĐ đối với sự phát triển của cơ quan, doanh nghiệp, do đó chưa tạo điều kiện thuận lợi để CNVCLĐ tích cực tham gia học tập. Một bộ phận CNVCLĐ chưa nhận thức rõ quyền lợi, trách nhiệm cá nhân trong việc học tập nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp; tư tưởng ngại khó trong học tập còn khá phổ biến trong CNVCLĐ; khả năng tiếp thu khoa học công nghệ hiện đại còn hạn chế, ý thức tổ chức kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp của công nhân lao động còn những mặt yếu kém.
“Với thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nếu không nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp thì đoàn viên, người lao động rất dễ bị loại trừ khỏi thị trường lao động”, đó là khẳng định của đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết – Chủ tịch LĐLĐ TP về chương trình nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên, người lao động tại Hội nghị tổng kết 4 chương trình trọng tâm hoạt động Công đoàn nhiệm kỳ 2013-2018. Điều này, đòi hỏi tổ chức Công đoàn cần tích cực tuyên truyền, vận động CNVCLĐ không ngừng học tập, nâng cao trình độ, tay nghề, nắm bắt khoa học kỹ thuật, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp; tổ chức các khoá đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn các cấp, từ đó có thể tham gia tốt với chính quyền và chủ sử dụng lao động trong việc nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên, người lao động; không ngừng tuyên truyền để người sử dụng lao động tạo điều kiện cho công nhân lao động tham gia học tập, nâng cao trình độ, tay nghề. “Tăng cường phối hợp với người sử dụng lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thực hiện chương trình nâng cao trình độ, kỹ năng cho người lao động; cụ thể hóa “Đề án đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2020”; tham mưu các cấp lãnh đạo trong việc tổ chức thi tay nghề hàng năm cho công nhân lao động…, đó là những việc LĐLĐ TP sẽ tích cực triển khai trong thời gian tới để mỗi người lao động đều được học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng”, ông Lương Nguyễn Minh Triết khẳng định.
Chương trình nâng cao trình độ, kỹ năng rất cần sự hỗ trợ từ phía người sử dụng lao động (Trong ảnh: Công ty TNHH Điện tử Foster tạo điều kiện cho cán bộ y tế tham gia các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ)
Phan Hà