Dự Hội nghị có đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Trịnh Thị Thuỷ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Trịnh Dũng, Vụ trưởng Vụ văn hoá xã hội – Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; đại diện UBND, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Liên đoàn Lao động, lãnh đạo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” 11 tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là cuộc vận động lớn mang tính toàn dân, toàn diện, với mục đích nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân trong quan hệ với gia đình và cộng đồng, môi trường tự nhiên và xã hội, theo những tiêu chí hướng tới nâng cao chất lượng sống cho người dân cả về vật chất lẫn tinh thần. Qua 15 năm triển khai, Phong trào đã không ngừng lớn mạnh, phát triển cả về chiều rộng lẫn bề sâu, đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ.
Ngoài ra, Dự thảo báo cáo tại hội nghị cũng đã chỉ ra một số kết quả cụ thể, 6 tháng đầu năm 2017, Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã chỉ đạo và xây dựng hoàn thiện hệ thống các văn bản quản lý nhà nước về văn hoá; ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Ban Chỉ đạo phong trào các tỉnh, thành phố trực thuộc TW thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của phong trào, khắc phục những hạn chế yếu kém trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện trước đây, đổi mới cách làm, phương thức thực hiện, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp…
Công tác chỉ đạo của BCĐ Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện phong trào theo hướng dẫn của TW. Trong đó, quan tâm, chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động phong trào tại cơ sở. Phong trào đã được các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo; ban hành Nghị quyết và xây dựng các chương trình hành động triển khai thực hiện; chỉ đạo lồng ghép các phong trào trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội của địa phương, gắn với việc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và các phong trào phòng, chống tội phạm, ma tuý, TNXH, đảm bảo trật tự ATGT… Đặc biệt, công tác chỉ đạo xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá” được cụ thể hoá bằng nhiều hình thức, chỉ đạo cơ quan, đơn vị siết chặt kỷ cương, kỷ luật, xây dựng nội quy, quy chế hoạt động của cơ quan, đơn vị, ứng xử văn hoá, xây dựng nếp sống văn minh, tạo môi trường lành mạnh trong các mối quan hệ trong và ngoài cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, nội dung xây dựng doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm. Với số lượng CNLĐ trong các KCN, CX, khu kinh tế khoảng 2,7 triệu người, 344 KCN, xây dựng môi trường văn hoá góp phần thúc đẩy sự phát triển bề vững của doanh nghiệp, đảm bảo quyền và lợi ích của công nhân; mục tiêu phát triển hài hoà giữa nâng cao chất lượng sản xuất và nhu cầu hưởng thụ văn hoá tinh thần của người lao động đã được chủ các doanh nghiệp sử dụng lao động từng bước quan tâm thực hiện. Nhiều địa phương đã triển khai thực hiện tốt phong trào, tranh thủ được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp tích cực giữa các cơ quan thành viên; đặc biệt là 3 ngành Văn hóa Thể thao, LĐLĐ và UBMTTQ Việt Nam, thành phố Đà Nẵng là một trong những địa phương triển khai tốt, chất lượng, sáng tạo Phong trào TDĐKXDĐSVH trong cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, phong trào cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập: tại một số địa phương, phong trào phát triển chưa đồng đều, kết quả đạt được chưa toàn diện, chưa thực sự bền vững. Tập trung nổi cộm: Một số cấp ủy, tổ chức Đảng chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của phong trào; chưa sâu sát trong việc chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện dẫn đến phong trào phát triển chưa đồng đều, nhiều nội dung phong trào mới chỉ dừng lại ở việc ban hành các văn bản, chưa tích cực vận động để người dân nắm vững các tiêu chí thực hiện. Tác động của xây dựng môi trường văn hóa chưa tạo sự chuyển biến rõ rệt, việc bình xét các danh hiệu văn hóa còn mang tính hình thức, chạy theo số lượng, không tuân thủ đúng trình tự, thủ tục và quy trình bình xét dẫn đến tỷ lệ gia đình văn hóa cao trong khi môi trường văn hóa, đạo đức xã hội xuống cấp gây bức xúc trong dư luận xã hội. việc bình xét các tiêu cực, tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng và phát triển phức tạp. Vẫn còn hiện tượng chưa xác định được chủ thể "toàn dân" của phong trào, còn có ban, ngành, đoàn thể coi phong trào là trách nhiệm của ngành văn hóa, công tác phối hợp trong triển khai thực hiện phong trào thiếu chặt chẽ, chưa rõ nhiệm vụ được phân công nên chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp chưa cao, chưa toàn diện. Nguồn kinh phí cho hoạt động phong trào của các cấp từ TW đến địa phương chưa được phân bổ đồng đều, chưa đáp ứng nhiệm vụ và nội dung mà phong trào đề ra…
Trên tinh thần nhìn nhận, đánh giá đúng thực trạng, hạn chế đó, các đại biểu tham dự đã thảo luận, phân tích làm rõ những vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện phong trào, nhất là những bất cập trong một số văn bản quản lý của nhà nước; công tác phối hợp giữa các cơ quan thành viên; vấn đề bố trí, sử dụng kinh phí, nhân sự, chế độ phụ cấp cho người làm phong trào… Các ý kiến đến từ các tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên cũng đã phân tích nguyên nhân chính dẫn đến việc bình xét các danh hiệu văn hóa, trong đó tập trung đánh giá việc bình xét, công nhận danh hiệu văn hóa hiện nay còn mang tính hình thức, chạy theo số lượng… Hội nghị cũng đã góp ý dự thảo Nghị định của Chính phủ Quy định về xét, công nhận các danh hiệu văn hoá.
(3).jpg)
Ngọc Yến