Khởi kiện là việc chẳng đặng đừng
Vụ việc ông chủ người Hàn Quốc ở Công ty TNHH MTV TBO VINA (Công ty TBO) về nước để lại khoản nợ lương, BHXH gần 14 tỉ đồng khiến gần 500 NLĐ điêu đứng vì quyền lợi không được đảm bảo vào năm 2019 đã trở thành kỷ niệm khó quên với cán bộ Công đoàn chuyên trách Lê Thị Ngọc Oanh. Làm việc tại Công đoàn KCNC & KCN 5 năm là từng đó năm chị Ngọc Oanh gắn bó, trăn trở với những lo toan của NLĐ trong mối quan hệ lao động tại doanh nghiệp. Phụ trách công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho NLĐ, chị Oanh luôn chú trọng đến các giải pháp để ổn định quan hệ lao động, hạn chế đình công, ngừng việc tập thể; đồng thời, chị luôn kịp thời tham gia thương lượng, giải quyết các tranh chấp lao động nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ.
Chị Ngọc Oanh (đứng) đang tranh tụng tại phiên toà xét xử vụ án lao động tranh chấp tiền lương và BHXH đối với Công ty TNHH MTV TBO Vina.
Chia sẻ về những khó khăn gặp phải trong vụ việc của Công ty TBO, Phó Chủ tịch Công đoàn KCNC & KCN cho biết: Thời điểm đó, dưới sự chỉ đạo của LĐLĐ thành phố, chúng tôi đã chủ động phối hợp các cơ quan chức năng tư vấn, hỗ trợ NLĐ bổ sung, hoàn thiện các thủ tục pháp lý khởi kiện DN. Quá trình khởi kiện gặp rất nhiều khó khăn bởi chưa từng có trong tiền lệ và số lượng người khởi kiện quá đông, tình huống phức tạp trong khi lực lượng cán bộ Công đoàn ít; cán bộ nhận ủy quyền phải thực hiện hoàn toàn các bước từ hỗ trợ viết đơn, thu thập chứng cứ đến phối hợp với cơ quan BHXH để có đầy đủ các số liệu, chứng cứ pháp lý tham gia phiên tòa.
Đặt quyền lợi của NLĐ lên hàng đầu trong quá trình tố tụng
Nhận ủy quyền của 124 NLĐ tham gia tố tụng, thay mặt họ thực hiện toàn bộ hồ sơ khởi kiện trong tổng số 196 hồ sơ khởi kiện Công ty TBO, chị Ngọc Oanh đã linh hoạt, chủ động kết hợp hài hoà các quy định pháp luật với thực tế để bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho NLĐ; chuyển việc đại diện tập thể 196 NLĐ khởi kiện đòi tiền lương, tiền nợ bảo hiểm xã hội (Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014) thành vụ 196 vụ án tranh chấp lao động cá nhân (Bộ Luật Tố tụng dân sự) và đã thành công, bởi đây là phương án dễ thực hiện, thời gian thực hiện ngắn hơn, NLĐ chủ động cho từng hồ sơ khởi kiện của mình.
Khi đã chọn phương án xử lý theo hướng tranh chấp lao động cá nhân, việc tổ chức các buổi tư vấn, đối thoại giải đáp thắc mắc, chuẩn bị sẵn các hồ sơ, mẫu đơn khởi kiện, đơn đề nghị hòa giải, vận động NLĐ làm hồ sơ khởi kiện; nỗ lực nghiên cứu và xây dựng một quy trình hỗ trợ, hướng dẫn, xây dựng bảng tổng hợp thông tin để cung cấp, bổ sung thông tin, hồ sơ kịp thời cho Tòa án khi có yêu cầu được đặt ra trong tình thế mày mò vừa làm vừa học. “Nếu thời điểm đó chúng tôi để NLĐ tự thân làm các thủ tục, hoàn thiện hồ sơ pháp lý thì chắc chắn NLĐ sẽ không thể tự cung cấp các số liệu, chứng cứ pháp lý liên quan đến ngân hàng, các cơ quan liên quan dẫn đến quyền lợi thiết thân bị thiệt thòi” – chị Ngọc Oanh nói.
Được biết, đến thời điểm này việc thanh lý tài sản và thi hành án cho NLĐ cơ bản đã hoàn thiện, ước tính gần 5,1 tỷ đồng sẽ được chi trả cho 196 bản án trong tháng 8 này, trong đó 124 NLĐ do chị Oanh nhận ủy quyền sẽ được chi trả 3,1 tỷ đồng (trong đó 847 triệu đồng tiền lương; 2,253 tỷ đồng bảo hiểm xã hội)
Bên cạnh những nỗ lực bảo vệ quyền lợi cho NLĐ, 5 năm qua, Phó Chủ tịch Công đoàn KCNC & KCN đã cùng với tập thể Công đoàn KCNC & KCN tổ chức hơn 250 buổi tuyên truyền cho hơn 37.000 lượt NLĐ dự nghe, được tư vấn kiến thức pháp luật, giúp NLĐ tự bảo vệ mình trong mối quan hệ lao động.
Với những nỗ lực đó, chị Lê Thị Ngọc Oanh xứng đáng được LĐLĐ thành phố biểu dương, khen thưởng tại Hội nghị điển hình tiên tiến CVNCLĐ thành phố lần thứ V, năm 2020.
Như Minh