Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố, Giám đốc Nhà Văn hóa Lao động Nguyễn Thị Tuyết Nhung cho biết nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, “Khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, đồng thời, tạo sân chơi thể thao lành mạnh, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, Nhà Văn hóa Lao động tổ chức Giải cầu lông truyền thống. Giải đấu năm nay thu hút 224 vận động viên của 22 đội là đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động ở các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thuộc Liên đoàn Lao động thành phố và hội viên các câu lạc bộ cầu lông thành phố.
Được biết, năm 2019, xuất phát từ nhu cầu của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động và các vận động viên cầu lông về việc thi đấu, giao lưu ở bộ môn cầu lông, tạo sân chơi thể thao, tăng cường tình đoàn kết, Nhà Văn hóa Lao động quyết định đăng cai tổ chức giải. Theo đó, định kỳ hàng năm sẽ tổ chức 1 lần để tạo cơ hội cho những người chơi cầu lông có cơ hội giao lưu, rèn luyện. Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên hoạt động phải tạm hoãn.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung cho biết: “Giải cầu lông truyền thống lần thứ 3 năm 2022 là sân chơi bổ ích dành cho đoàn viên, người lao động sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Thông qua giải nhằm tìm kiếm những hạt nhân để xây dựng, phát triển phong trào cầu lông ở cơ sở nói riêng, phong trào văn hóa thể thao nói chung. Đây cũng chính là hoạt động đơn vị tổ chức nhằm chào mừng kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 – 28/7/2022)”.
Theo đánh giá từ ban tổ chức cuộc thi, so với giải cầu lông truyền thống lần thứ 2 năm 2020, giải lần này tăng 5 đội và 50 vận động viên tham gia; chất lượng chuyên môn giải đấu cao hơn so với các năm trước, trình độ chuyên môn giữa các vận động viên tương đối đồng đều. Giải đấu năm nay, các vận động viên tranh tài ở 3 nội dung đôi nam, đôi nữ, đôi nam nữ với 3 nhóm tuổi 18 – 29, 30 - 39 và 40 tuổi trở lên.
Ông Huỳnh Văn Hậu, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế cho biết: “Đơn vị có 8 vận động viên tham gia thi đấu tại giải. Tháng Công nhân vừa qua, công đoàn ngành và các công đoàn cơ sở tổ chức rất nhiều hoạt động văn hóa thể thao nên “khá tốn sức” của đoàn viên. Tuy nhiên, với tinh thần thể thao rất cao, sau khi Nhà Văn hóa Lao động ban hành kế hoạch, đoàn viên đã nhanh chóng đăng ký tham gia”. Cũng theo ông Hậu, sau thời gian dài ảnh hưởng của dịch bệnh, tinh thần của hầu hết đoàn viên là mong muốn có nhiều sân chơi văn hóa thể thao nhằm rèn luyện sức khỏe, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần. Chính vì vậy, tại Giải cầu lông truyền thống Nhà Văn hóa Lao động năm nay, tinh thần thi đấu của vận động viên và tinh thần của cổ động viên đều rất nhiệt tình, hăng hái.
Cũng đánh giá cao về chất lượng giải năm nay, bà Phan Thị Thục Anh – Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục cho biết: “So với những lần trước thì năm nay, sau khi công đoàn ngành triển khai thông tin về giải đấu, đoàn viên tại các công đoàn cơ sở nhanh chóng đăng ký với 6 cặp thi đấu. Sau khi tham gia giải đấu, các vận động viên của đoàn chia sẻ khá hài lòng khi Nhà Văn hóa Lao động đã có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, cơ sở vật chất tốt, thời gian để các vận động viên thi đấu được phân bổ khá hợp lý khi vừa bảo đảm công việc vừa có thể tham gia thi đấu. Năm nay, đoàn chúng tôi giành được 4 huy chương nên các vận động viên rất phấn khởi”.
.jpg)
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, tổng giải thưởng Giải Cầu lông truyền thống lần thứ 3 năm 2022 là 150 triệu đồng, bao gồm 9 bộ huy chương Vàng, Bạc, Đồng và giải toàn đoàn. Giải đấu năm nay được khá nhiều đơn vị đồng hành, tài trợ do chất lượng, uy tín của giải được khẳng định qua các năm. “Chúng tôi cảm nhận không khí thi đấu sôi nổi, hào hứng và vui vẻ của các đoàn vận động viên trong phiên khai mạc giải đấu. Đây là sân chơi mà rất nhiều người mong đợi sau thời gian dài ảnh hưởng của dịch bệnh”, bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung chia sẻ.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới đó là phát triển đa dạng, hiệu quả các hoạt động chăm lo đời sống tinh thần cho đoàn viên, người lao động. Nhà Văn hóa Lao động cũng được giao nhiệm vụ trong nội dung công việc nhằm thực hiện thắng lợi nghị quyết. “Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Nhà Văn hóa Lao động sẽ nỗ lực để có nhiều hoạt động đa dạng, chất lượng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đoàn viên, người lao động, đưa Nhà Văn hóa Lao động trở thành nơi hội tụ của những hoạt động chăm lo đời sống tinh thần cho đoàn viên trên địa bàn thành phố”, bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung tin tưởng.