Danh mục

Tóm tắt quá trình hình thành và phát triển của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam (phần 5)
V. Phong trào công nhân và công đoàn Việt Nam trong những năm xây dựng và bảo vệ tổ quốc (1975 – 1986)

Quản trị - 30/08/2023 23:14 - 296 Lượt xem

1. Thời kỳ 1975 - 1980

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi đã mở ra kỷ nguyên độc lập, thống nhất và cả nước cùng dựng xây chủ nghĩa xã hội. Tình hình đó tác động mạnh mẽ đến phong trào công nhân và hoạt động công đoàn.

Ngày 6-6-1976, Hội nghị thống nhất Công đoàn toàn quốc đã họp tại Hội trường Thống nhất, thành phố Hồ Chí Minh. Dự hội nghị có 72 đại biểu thay mặt cho 3 triệu đoàn viên công đoàn hai miền Nam – Bắc, Hội nghị đã quyết định thống nhất Công đoàn hai miền Nam - Bắc thành  “Tổng Công đoàn Việt Nam”. Đồng chí Hoàng Quốc Việt – ủy viên Ban chấp hành TW Đảng được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam, đồng chí Nguyễn Đức Thuận làm Tổng thư ký.

Đáp ứng yêu cầu của phong trào công nhân, công đoàn trong cả nước, Đại hội lần thứ IV Công đoàn Việt Nam đã khai mạc tại Hà Nội vào ngày 8-5-1978. Tham dự đại hội có 926 đại biểu, thay mặt cho  trên 3 triệu đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức trong cả nước. Đại hội đã xác định những nhiệm vụ của giai cấp công nhân và phong trào công đoàn là: vận động tập hợp, đoàn kết CNLĐ, phát huy truyền thống cách mạng, hăng hái thi đua lao động sản xuất thực hiện thành công kế hoạch 5 năm lần thứ hai. Đại hội bầu đồng chí Nguyễn Văn Linh, ủy viên Bộ chính trị Ban chấp hành TW Đảng làm Chủ tịch Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Đức Thuận làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí.

Sau Đại hội, Phong trào thi đua lao động xã hội chủ nghĩa với 5 nội dung cụ thể trong công nhân, viên chức đã tạo được bước chuyển biến tích cực, nhiều điển hình tiên tiến và nhân tố mới trong sản xuất đã hình thành. Kết quả của phong trào thi đua đã góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo dựng cơ sở vật chất- kĩ thuật ban đầu của thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Trong 5 năm (1976-1980), Công đoàn các cấp, nhất là công đoàn cơ sở, đã thường xuyên quan tâm và có nhiều có gắng chăm lo đời sống công nhân, viên chức nhưng do tình hình khủng hoảng kinh tế xã hội kéo dài, giá cả tăng nhanh, giá trị lương thực tế giảm nên đời sống công nhân, viên chức gặp nhiều khó khăn, một bộ phận người lao động trong các nhà máy, xí nghiệp, nông - lâm trường mất việc làm. Trong tình hình đó, công đoàn vừa đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, ổn định tư tưởng trong công nhân, viên chức, tăng cường kiểm tra giám sát nhằm đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách Nhà nước đã ban hành; kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, quan liêu, cửa quyền, tham ô, bớt xén tiêu chuẩn của người lao động; phát động phong trào làm chủ xí nghiệp, khai thác mọi tiềm năng thúc đẩy sản xuất phát triển.

Công đoàn Việt Nam đã đẩy mạnh quan hệ với công đoàn các nước, tranh thủ được sự ủng hộ giúp đỡ về vật chất và tinh thần của lao động và công đoàn quốc tế đối sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần tăng cường tình đoàn kết giữa công nhân thế giới với công nhân  Việt Nam.

Với những đóng góp to lớn của Công đoàn Việt Nam đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, ngày 18-12-1980, Quốc hội khóa VI đã thông qua Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong đó khẳng định “Tổng Công đoàn Việt Nam là tổ chức quần chúng rộng lớn nhất của giai cấp công nhân Việt Nam, là trường học chủ nghĩa cộng sản, trường học quản lý kinh tế, quản lý nhà nước”

Tóm lại, sau ngày đất nước thống nhất, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam phát triển nhanh, mạnh. Cùng với nhân dân lao động cả nước giai cấp công nhân đã đoàn kết, đẩy mạnh sản xuất, khắc phục hậu quả của 30 năm chiến tranh, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng bộc lộ những mặt hạn chế như: Công tác chỉ đạo thi đua còn chung chung, chưa tập trung vào phát huy quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của công nhân, viên chức. Công đoàn chưa thực sự là cơ quan đại diện quyền làm chủ của công nhân, viên chức, chưa mạnh dạn đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

2. Thời kỳ 1981 -1986

Trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế - xã hội, Công đoàn đã động viên công nhân thực hiện tốt những cải cách bước đầu của Đảng và Nhà nước trong sản xuất công nghiệp như: tôn trọng quyền chủ động sản xuất kinh doanh, quyền tự chủ về tài chính, của xí nghiệp quốc doanh, thực hiện ba kế hoạch trong sản xuất công nghiệp (theo Quyết định số 25/CP); mở rộng hình thức khoán lương, khoán sản phẩm và vận dụng các hình thức tiền thưởng trong các đơn vị sản xuất và kinh doanh của Nhà nước (theo Quyết định số 26/CP). Các phong trào thi đua lao động, sản xuất của công nhân, lao động  trên các công trình trọng điểm quốc gia, như: Thủy điện Hòa Bình, Trị An, Nhiệt điện Phả Lại, Dầu khí Vũng Tàu, Xi măng Bỉm Sơn, Hà Tiên, Hoàng Thạch… diễn ra liên tục, sôi nổi, phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch được giao.

Đến năm 1982, cả nước đã có hơn 3 triệu đoàn viên công đoàn tập hợp trong 40 liên hiệp công đoàn tỉnh, thành phố và 20 công đoàn ngành Trung ương, 193 công đoàn ngành địa phương, 20.647 công đoàn cơ sở. Cán bộ công đoàn chuyên trách có 14.229 người. Hệ thống công đoàn huyện tiếp tục được thành lập ở nhiều nơi, tạo điều kiện tăng cường và củng cố khối liên minh công nông.

Từ ngày 12/11/1983, tại Hà Nội, Đại hội đại biểu lần thứ V Công đoàn Việt Nam đã được tổ chức. Dự đại hội có 949 đại biểu. Đại hội khẳng định tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chung của công đoàn trong cách mạng xã hội chủ nghĩa đã được nêu ra từ Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ IV. Đại hội đề ra những nhiệm vụ cụ thể của phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam, nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ V của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Đức Thuận – ủy viên TW Đảng được bầu lại làm Chủ tịch, đồng chí Phạm Thế Duyệt – Uỷ viên dự khuyết TW Đảng được bầu làm Phó chủ tịch kiêm Tổng thư kí Tổng Công đoàn Việt Nam. Đại hội quyết định lấy ngày 28/7/1929 là ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.

Ngày 2/8/1984, Hội nghị Ban chấp hành Tổng Công đoàn lần thứ ba (khoá V) họp thông qua chương trình hành động của Công đoàn thực hiện Nghị quyết 6 Ban Chấp hành TW về sắp xếp và tổ chức lại sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, khắc phục lối làm ăn theo kiểu hành chính quan liêu, bao cấp, chuyển mạnh sang chế độ hạch toán kinh tế, kinh doanh xã hội chủ nghĩa.

Quán triệt tinh thần đó, các cấp công đoàn đã tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, thúc đẩy công tác cải tiến quản lý, tổ chức lại sản xuất, tận dụng, khai thác tiềm năng về vật tư nguyên liệu, năng lực sản xuất của đơn vị, địa phương, ngành. Ngày 18/4/1985, Tổng Công đoàn ra chỉ thị số 27/CT-TCĐ yêu cầu các cấp công đoàn “tham gia với các cấp chính quyền, các cơ quan Nhà nước sửa đổi bổ sung, xây dựng các chế độ, chính sách, cơ chế quản lý. Bản chỉ thị đã xác định 4 nội dung công tác chính cần thực hiện ở công đoàn cơ sở là: Tuyên truyền giáo dục CNVC; tham gia cải tiến các mặt quản lý ở xí nghiệp; tổ chức thực hiện quyền hạn và nghĩa vụ làm chủ tập thể của CNVC và cải tiến tổ chức, nâng cao năng lực của công đoàn cơ sở. Đồng thời cũng xác định những công việc cụ thể mà các cấp công đoàn cần tập trung giải quyết.

Đến cuối năm 1985, riêng ngành Công nghiệp Hà Nội đã giảm được 3000 lao động, chiếm gần 10% tổng số CNVC; ngành Công nghiệp Hải Phòng giảm 2000 người; tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lực lượng gián tiếp giảm từ 25-27%.

Cùng với các hoạt động tham gia quản lý, phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước phát huy sáng kiến, cải tiến kĩ thuật, thực hành tiết kiệm, tạo bước chuyển biến trong sản xuất công nghiệp diễn ra sôi nổi. Trong 5 năm 1981 -1985, thống kê 11 ngành, 22 địa phương đã có 235.559 sáng kiến và 33 sáng chế. Có 310 đề tài tiến bộ kĩ thuật cấp Nhà nước và 1.270 đề tài cấp ngành địa phương được áp dụng vào thực tế mang lại hiệu quả kinh tế lớn. Có 7.916 lượt người được nhận Bằng khen và huy hiệu Lao động sáng tạo.

Phong trào xây dựng tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa, năm 1981 có 15.281 tổ được công nhận danh hiệu tổ lao động XHCN, trong đó có 14.260 tổ thuộc khu vực Nhà nước (chiếm 93%). Năm 1982, có hơn 18.000 tổ được công nhận (trong số 46.252 tổ đăng kí). Năm 1985, đã có 48.831 tổ đăng kí phấn đấu trở thành tổ lao động XHCN, tăng 16.204 tổ so với năm 1984. Đáng chú ý có 426 tổ được công nhận tổ lao động XHCN 10 năm liền trở lên, có 10 tổ đạt danh hiệu liên tục 23 năm liền như tổ đá nhỏ ca A Nhà máy Xi măng Hải Phòng, tổ bán hàng công nghệ phẩm Hồng Bàng Hải Phòng, tổ may 3 Xí nghiệp May 10…

Phong trào đảm bảo an toàn vệ sinh lao động từng bước trở thành nền nếp ở nhiều ngành, địa phương. Đến năm 1984, đã có 29/40 tỉnh, thành phố, đặc khu và 15/20 ngành Trung ương với gần 3000 cơ sở sản xuất kinh doanh có phong trào kiểm tra chấm điểm theo Thông tư 08/TT-LB, có 1.112 cơ sở xây dựng đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh lao động. Các cơ sở này đã xây dựng được mạng lưới an toàn viên gồm hơn 10 vạn người hoạt động ở các tổ, phân xưởng và nhà máy. Viện Nghiên cứu Khoa học kĩ thuật Bảo hộ lao động của Tổng Công đoàn đã hoàn thành nhiều đề tài nghiên cứu, trong đó có đề tài trong chương trình 58.01 (cấp Nhà nước) được đánh giá tốt, góp phần vào việc phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho CNVC.

Phong trào thi đua quốc tế XHCN diễn ra khá sôi nổi trong 11 ngành có chuyên gia các nước XHCN làm việc tại 76 cơ sở, nhất là các công trình xây dựng trọng điểm, các cơ sở có nhiều chuyên gia Liên Xô như Thủy điện Hòa Bình, Trị An, Nhiệt điện Phả Lại, Cầu Thăng Long, Supe phốt phát Lâm Thao, hoạt động thăm dò địa chất, các trường dạy nghề, các xí nghiệp làm hàng xuất khẩu, thủy thủ trên các tàu Liên Xô và công nhân trên các cảng Hải Phòng, Đà Nẵng, Sài Gòn.

Hình thức tổ chức liên kết thi đua giữa các ngành đã tạo nên sự phối hợp đồng bộ đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp như liên kết giữa ngành Giao thông vận tải với Hóa chất và Vật tư nông nghiệp; giữa Điện với Nông nghiệp và Thủy lợi.

Năm 1984, Nhân dịp kỉ niệm 55 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 –28/7/1984), Nhà nước đã tặng Tổng Công đoàn Việt Nam Huân chương Sao Vàng – Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam.

Trang: 6 / 10