Danh mục

Hơn 54.300 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội chậm đóng BHXH, BHYT
Theo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP Hà Nội, tính đến tháng 6.2023, trên địa bàn Hà Nội có 54.309 đơn vị chậm đóng BHXH, Bảo hiểm Y tế (BHYT) với số tiền 5.216,8 tỉ đồng, tỉ lệ số tiền chậm đóng phải tính lãi là 2,73%. Tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Quản trị - 09/08/2023 11:06

 

Hơn 54.300 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội chậm đóng BHXH, BHYT

Công ty Cổ phần tập đoàn GCO - nơi chị Dương Khánh Huyền từng làm việc. Ảnh: Dương Khánh Huyền

14.739 đơn vị ngừng, dừng giao dịch, chủ bỏ trốn

Vừa qua, Báo Lao Động nhận được phản ánh của chị Dương Khánh Huyền (quận Tây Hồ, Hà Nội). Chị Huyền cho biết, Công ty Cổ phần Tập đoàn GCO (tầng 8, sảnh 802, tòa nhà Toyota Thanh Xuân, 315 Trường Chinh, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) chậm đóng 7 tháng BHXH cho chị.

Theo chị Huyền, việc Công ty GCO chậm đóng BHXH đã khiến chị gặp nhiều khó khăn do không có thu nhập trong thời gian dài, không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, các quyền lợi về BHXH, BHYT bị treo. Ngày 14.6.2023, chị Huyền đã làm đơn khởi kiện ông Đỗ Viết Tuấn - Tổng Giám đốc GCO ra Toà án Nhân dân quận Thanh Xuân.

Hiện nay, TP Hà Nội có 96.431 đơn vị, doanh nghiệp (DN) đang tham gia BHXH, BHYT với gần 7,75 triệu người tham gia BHYT, trên 2 triệu người tham gia BHXH (chiếm 43% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động).

Tính đến tháng 6.2023, Hà Nội có 54.309 đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT với số tiền 5.216,8 tỉ đồng, tỉ lệ số tiền chậm đóng phải tính lãi là 2,73%. Trong các đơn vị chậm đóng có 14.739 đơn vị ngừng, dừng giao dịch, mất tích, chủ bỏ trốn, giải thể, phá sản với số tiền là 1.688,7 tỉ đồng (chiếm 32,4% tổng số tiền chậm đóng BHXH, BHYT).

Cần công khai doanh nghiệp trốn đóng BHXH

Ngày 8.8, trao đổi với PV Lao Động, ông Phan Văn Mến - Giám đốc BHXH TP Hà Nội - cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc chậm đóng BHXH, BHYT là do ý thức chấp hành pháp luật về BHXH của một số đơn vị sử dụng lao động chưa cao; cố tình dây dưa, trây ỳ để chậm đóng BHXH tồn đọng, kéo dài; nhiều doanh nghiệp đã tạm ngừng hoạt động, không còn hoạt động, không có khả năng tài chính đóng BHXH, BHYT dẫn tới chậm đóng, khó thu...

Để tăng cường công tác thu hồi nợ đóng BHXH, BHXH TP Hà Nội đã chủ động báo cáo và tham mưu cho Thành ủy, UBND Thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo, giao trách nhiệm cho các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung đôn đốc thu, thanh tra, kiểm tra để giảm số tiền chậm đóng BHXH, BHYT.

BHXH TP Hà Nội cùng với Công an thành phố, Liên đoàn Lao động thành phố, Sở LĐTBXH, Sở Y tế, Thanh tra thành phố, Cục Thuế ký quy chế phối hợp về thực hiện các giải pháp, biện pháp bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp các chế độ BHXH, BHYT của người lao động trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025.

Đồng thời, hằng tháng BHXH Thành phố thường xuyên công khai những đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nợ đóng BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Để khắc phục tình trạng chậm đóng BHXH, BHXH TP Hà Nội đề nghị Chính phủ cần có Nghị định về xử lý số tiền chậm đóng đối với các đơn vị giải thể, phá sản, mất tích, chủ bỏ trốn. Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chức năng (tòa án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra) có hướng dẫn cụ thể.

Các cơ quan thông tấn báo chí, phát thanh, truyền hình thường xuyên thông tin pháp luật về BHXH, BHYT, định kỳ hàng tháng đăng tải những đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 

HÀ ANH (BÁO LAO ĐỘNG)