Danh mục

Đề xuất tăng mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động ở nhóm ngành nguy cơ cao
Tỷ lệ đóng vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của các nhóm lao động đang cào bằng như nhau. Để tạo sự công bằng giữa các nhóm, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản đề nghị, nên chia mức đóng theo các mức độ nguy hiểm, rủi ro khác nhau.

Quản trị - 29/06/2023 11:08 - 871 Lượt xem

Tại phiên đối thoại định kỳ của Hội đồng quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động năm 2023 tổ chức ngày 27.4, bà Đào Thị Thu Huyền, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản nêu kiến nghị về vấn đế mức đóng vào Quỹ bảo hiểm  tai nạn lao động, bệnh nghệ nghiệp.

Đề xuất tăng mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động ở nhóm ngành nguy cơ cao   - Ảnh 1.

Khai thác than là một trong những ngành nghề xảy ra nhiều tai nạn lao động, gây thiệt hại về người trong thời gian gần đây

N.H

Theo bà Huyền, những ngành nghề độc hại tại Việt Nam vẫn đang cào bằng mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như các nhóm lao động khác. Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản đề nghị, tới đây nên chia theo các mức độ nguy hiểm, rủi ro khác nhau. Với những ngành nghề có nhiều rủi ro, nguy cơ cao dẫn đến tai nạn lao động thì nên nâng trách nhiệm của người sử dụng lao động lên. Việc này sẽ giúp ích nhiều hơn trong đảm bảo an toàn lao động cho người lao động cũng như tạo được sự công bằng hơn.

Đại diện Tập đoàn điện lực Việt Nam đề nghị cơ quan chức năng có mức xử phạt hành chính tăng hơn đối với các vụ tai nạn mà không khai báo, đảm bảo an toàn lao động cho người lao động. Đặc biệt, Bộ LĐ-TB-XH sớm có hệ thống dữ liệu công khai minh bạch về an toàn lao động để cộng đồng cùng giám sát.

Giải đáp ý kiến của phía Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản, ông Nguyễn Khánh Long, Trưởng phòng Chính sách bảo hộ lao động, Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB-XH), cho hay sẽ nghiên cứu và tiếp thu đề xuất đối với mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Để có cơ sở đề xuất sửa đổi sắp tới, Bộ LĐ-TB-XH sẽ tiến hành gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương để đánh giá tổng thể việc triển khai chính sách này.

Tại phiên đối thoại, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Văn Thanh cho biết các kiến nghị và kết quả của cuộc đối thoại sẽ được báo cáo gửi tới Chính phủ và chuyển tải tới các thành viên Hội đồng quốc gia về an toàn vệ sinh lao động. Một số vấn đề quan trọng sẽ được xem xét, lựa chọn để đưa ra biểu quyết trong Hội đồng quốc gia về an toàn vệ sinh lao động tại phiên họp thường kỳ sắp tới.

Ông Lê Văn Thanh đề nghị, các Sở LĐ-TB-XH sớm tham mưu cho Hội đồng cấp tỉnh về an toàn vệ sinh lao động tổ chức đối thoại ở địa phương, để thúc đẩy việc cải thiện các điều kiện làm việc an toàn cho người lao động, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật.

Theo Bộ LĐ-TB-XH, cơ quan này đang xây dựng nghị định về chính sách bảo hiểm tự nguyện về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Các bộ, ngành cũng đang hoàn thiện các văn bản quy chuẩn an toàn lao động, hướng dẫn tập huấn cải thiện về điều kiện lao động… Qua đó sẽ giúp tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người lao động.

Trang: 8 / 9