Danh mục

Công nhân ăn Tết xa nhà: "Buồn nhưng lấy con làm động lực"
Nhìn dòng người tất bật đón Tết cùng gia đình, chị Trần Thị Mỹ Lệ (33 tuổi, quê Quảng Trị), công nhân Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng, ứa nước mắt. “Buồn nhưng lấy con làm động lực”, chị nói.

Nguyễn Thanh Hùng - 05/08/2024 09:13 - 1743 Lượt xem

     “Hai đứa con là nguồn động lực để mình phấn đấu, siêng năng làm việc. Tuy nhiên, giai đoạn này muốn tăng ca cũng khó vì đơn hàng giảm, việc làm lai rai chỉ đủ nhận lương cơ bản hơn 5 triệu/tháng”, nữ công nhân kể về công việc năm vừa qua.
     Chi phí cho hai con đi nhà trẻ và tiền sữa, tiền nhà trọ, cộng thêm tiền ăn uống, sinh hoạt, nhiều tháng lương không đủ tiêu. Chị Lệ đành lấy khoản tiền tiết kiệm ít ỏi trang trải cuộc sống.
     Cuối năm nhận được thưởng Tết, ngồi đắn đo tính toán một hồi, chị Lệ quyết định “ba mẹ con sẽ ở lại Đà Nẵng ăn Tết, để dành số tiền đó ra Giêng cho mấy đứa nhỏ đi học”.
 
Chị Trần Thị Mỹ Lệ và con trai - Ảnh: PHAN NGUYÊN
 
     Ông Nguyễn Thanh Dũng - Tổ trưởng Tổ tự quản số 1, khu nhà trọ công nhân quận Liên Chiểu thống kê, địa bàn có tổng cộng 1.100 công nhân lao động ở trọ. Năm nay số lượng công nhân không về quê nhiều hơn năm trước, riêng Tổ tự quản số 1 có 6 gia đình không về quê. Đa số là những gia đình có con nhỏ, hoặc mẹ đơn thân, hoặc người quê xa, chi phí đi lại tốn kém, buộc họ phải đón Tết xa quê.
     Để người lao động vơi nỗi nhớ nhà, những ngày cận Tết, tại các Tổ tự quản khu nhà trọ đã tổ chức nấu bánh chưng, cúng tất niên, mang lại không khí Tết ấm áp.
    Theo ông Dũng, hoạt động nấu bánh chưng tại tổ Tự quản số 1 đã duy trì 12 năm nay vào mỗi dịp Tết. “Người lao động nếu như không về nhà thì xem Đà Nẵng là nhà”, ông Dũng bày tỏ.
 
Con em người lao động quay quần trông nồi bánh chưng. Ảnh: PHAN NGUYÊN
 
     Hăng hái nhen lửa, bắt nước từ sáng sớm, chị Lệ khoe: “Mình tham gia từ đầu đến cuối, phụ mấy cô chú lau lá dong, bắt nước nấu bánh chưng nên cũng phần nào vơi bớt nỗi nhớ nhà. Đồng thời cho các con cảm nhận được không khí Tết cổ truyền của dân tộc”.
     Đến 6 giờ tối, mọi người trong khu trọ đi làm về cũng là lúc bánh chưng chín. Họ cùng nhau vớt bánh, tổ chức tất niên, ăn uống, giao lưu văn nghệ.
     Khi hỏi về khoảnh khắc đón giao thừa năm nay, chị Lệ hài hước: "Càng thức càng buồn nên ba mẹ con ngủ mất tiêu".
     "Mùng 1, mình tính chở hai con đi chùa cầu an mà trời lạnh quá. Cháu lớn mới 5 tuổi, cháu nhỏ mới lên 3, sợ đầu năm đầu tháng, mấy ổng đi về rồi đau nên ở nhà đắp chăn ngủ hết ngày", chị Lệ kể và cho biết thêm, chiều mùng 2 Tết, mẹ con chị mới "xuất hành" đi cà phê cùng bạn.
 
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng Lê Văn Đại tặng quà công nhân khó khăn không về quê ăn Tết. Ảnh: PHAN NGUYÊN
 
     Theo thống kê, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, thành phố Đà Nẵng có hơn 700 công nhân và gia đình không về quê.
     Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng Lê Văn Đại cho biết, các gia đình công nhân này sẽ được công đoàn tặng quà động viên.
     "Ngoài ra, lãnh đạo thành phố, lãnh đạo công đoàn đến thăm, động viên trao gần 1.000 suất quà cho đối tượng là phụ nữ đơn thân, đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn tại các Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ, trong đó ưu tiên các phần quà cho đối tượng là người lao động ở lại đón Tết", đồng chí Lê Văn Đại nói.
 
Nguồn: Tạp chí Lao động và Công đoàn
Trang: 6 / 11