Lợi dụng quy định này, các thế lực thù địch câu kết với các tổ chức chống phá Nhà nước Việt Nam như: Nghiệp đoàn độc lập, Lao động Việt, Nhóm bạn công nhân thuộc Việt Tân, Luật khoa tạp chí, Hội nhà báo độc lập... từng bước hình thành lực lượng chính trị đối lập trong nội địa, tiến tới thực hiện “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố” lật đổ Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ chính trị tại Việt Nam.
Để dọn đường cho dự định này, họ đã không ngừng tung ra các bài tuyên truyền bôi nhọ, hạ uy tín Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Cụ thể, Việt Tân đã đăng một bài viết quy kết Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là một tổ chức “không đại diện cho quyền lợi của người lao động mà chỉ phục vụ lợi ích của giới chủ sử dụng lao động”. Tất nhiên, ở phần bình luận, Việt Tân tiếp tục điệp khúc đòi thành lập Công đoàn độc lập ở Việt Nam - một điều mà 20 năm họ đã liên tục cố làm nhưng không thành hiện thực.
Thực tế chứng minh, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong chăm lo, đại diện bảo vệ tốt quyền lợi cho người lao động (tất nhiên không tránh khỏi một số tổ chức công đoàn cơ sở hoạt động chưa hiệu quả, song đó chủ yếu là do cán bộ công đoàn ở đó chưa phát huy tốt vai trò, trách nhiệm).
Việc tham mưu chính sách, bảo vệ quyền lợi cho người lao động đã khiến Công đoàn thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với người lao động. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất Chính phủ về chính sách tăng lương tối thiểu vùng hàng năm đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Đặc biệt, từ đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch covid-19. Nghị quyết đã hỗ trợ cho gần 36,5 triệu người lao động, người dân, 394.000 đơn vị sử dụng lao động và 500.000 hộ kinh doanh với tổng số tiền là 45.600 tỷ đồng.
Đồng hành với đoàn viên, người lao động, hàng loạt biện pháp, cả trước mắt và lâu dài đã được công đoàn các cấp triển khai. Chỉ riêng các gói hỗ trợ công nhân, người lao động bị dịch bệnh là gần 6.000 tỷ đồng với hơn 10 triệu lượt người thụ hưởng; hỗ trợ cho gần 82.000 đoàn viên, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng đến hết năm 2023...Hơn 30 triệu lượt đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn đã được thăm hỏi, chúc Tết, động viên, tặng quà nhân dịp "Tết Sum vầy" với trên 28.000 tỷ đồng…
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham mưu Bộ Chính trị và Chính phủ ban hành nhiều quyết sách về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam, đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; Đẩy nhanh việc triển khai xây dựng thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; tích cực nghiên cứu, tham gia đề xuất Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn về phát triển nhà ở dành cho công nhân, lao động, trực tiếp là Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Ngay trước thềm Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII vừa qua, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Nhà ở sửa đổi, trong đó quy định Tổng liên đoàn là cơ quan chủ quản đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê để bổ sung nguồn lực đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định “Trải qua hơn 94 năm xây dựng, hoạt động, trưởng thành và phát triển, chúng ta có quyền tự hào và khẳng định rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, tuyệt đối trung thành với Đảng và giai cấp, có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng, góp phần quan trọng xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Trong giai đoạn đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng hiện nay, vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn càng được khẳng định, phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết”.
Nguồn: congdoan.vn