Danh mục

CÔ GIÁO YÊU NGHỀ, MẾN TRẺ
Một ngày làm việc của cô giáo Nguyễn Thị Châu Á bắt đầu từ 6h30 sáng và kết thúc sau 17h chiều. Phần lớn thời gian trong ngày cô đều dành cho trẻ.

Nguyễn Thanh Hùng - 25/09/2024 15:08

     Cô Nguyễn Thị Châu Á là giáo viên lớp Lớn, Trường Mầm non Hòa Sơn (huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng). Bắt đầu nhận công tác tại trường từ năm 2001, hơn 20 năm gắn bó, cô luôn trăn trở việc tìm ra phương pháp giảng dạy giúp trẻ phát huy tối đa khả năng sáng tạo của mình. Đối với cô, giáo viên mầm non là người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng cho sự phát triển nhân cách và nhận thức của trẻ. Để thực hiện mục tiêu này, bằng kiến thức sư phạm cùng kinh nghiệm “đọc vị” tâm lý trẻ, cô Á đã đúc kết nên nhiều sáng kiến có giá trị trong đổi mới phương pháp dạy học. Theo cô Á, ở mỗi độ tuổi trẻ đều có một cá tính khác nhau “Ở tuổi lên 3, các bé thường rất tinh nghịch, thích làm theo ý mình nên việc uốn nắn vào nề nếp rất khó. Tuy nhiên, nếu biết tìm tòi, phát hiện ra ưu điểm của trẻ để khích lệ, động viên kịp thời sẽ đem lại những hiệu qủa tích cực. Còn trẻ 4 – 5 tuổi thường bắt đầu thích khám phá cái mới, ưa hoạt động sôi nổi, vì vậy phải để trẻ tự khám phá và nói lên suy nghĩ của mình.”

    Năng lực và tâm huyết, cô Nguyễn Thị Châu Á được Ban giám hiệu Trường Mầm non Hòa Sơn chọn là lực lượng giáo viên nòng cốt để thực hiện đổi mới phương pháp dạy học tại trường.

     Với sáng kiến “Một số biện pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”, trong hai năm liên tiếp, cô Á đã vinh dự nhận được Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng về hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của năm học 2016 – 2017 và 2017 – 2018. Điểm nổi bật trong sáng kiến này phải là việc tổ chức hoạt động cho trẻ chơi thao tác vai. Ví dụ, các bé sẽ được đóng vai người bán hàng, giới thiệu các loại rau, củ quả: “Chào các bác, đây là quả bưởi, quả bưởi có vị chua và ngọt” và những người mua hàng thì “Tôi chào bác. Bác bán cho tôi quả bí. Quả bí này giá bao nhiêu tiền?”. Trong quá trình đó, trẻ được đóng vai như người lớn. Phương pháp này giúp trẻ hiểu hơn về cuộc sống hằng ngày xung quanh mình.

     Bài giảng “Khám phá môi trường xung quanh bằng vật thật thông qua những hoạt động thực tiễn” của cô Á được Ban giám hiệu nhà trường đánh giá cao. Phương pháp này cũng đã được các đồng nghiệp của cô áp dụng và nhân rộng.

     Hoạt động giúp trẻ khám phá môi trường xung quanh là một hoạt động không mới đối với giáo dục bậc học mầm non. Tuy nhiên, làm thế nào để trẻ học được thông qua hoạt động này mà không bị gò bó lại là một thách thức. “Áp dụng bài giảng của cô Á, khi trẻ đi tham quan tại vườn rau của nhà trường, với phương châm lấy trẻ làm trung tâm, cô giáo chỉ là người hướng dẫn, gợi ý về công dụng, đặc điểm, môi trường sống của từng loại rau. Sau đó, trẻ sẽ cùng thực hành bắt sâu, tưới nước, nhổ cỏ và thu hoạch rau về nhà bếp. Thông qua hoạt động như thế này, trẻ sẽ rất hứng thú và học được nhiều điều”, cô Lê Thị Thiên Thu, giáo viên lớp Lớn chia sẻ.
     Nói về chị Nguyễn Thị Châu Á, cô Lê Thị Kim Vân, hiệu trưởng Trường Mầm non Hòa Sơn nhận xét: Không chỉ là là một chủ tịch Công đoàn cơ sở nhiệt tình, năng nỗ và đầy tâm huyết, trách nhiệm với đoàn viên, người lao động; bản thân cô Á còn là một tấm gương tự học, sáng tạo trong công việc, là giáo viên có nhiều sáng kiến trong đổi mới phương pháp giảng dạy của nhà trường.
     Qua thực tiễn áp dụng, những đổi mới sáng tạo trong phương pháp dạy học của cô Nguyễn Thị Châu Á đã thu được những kết quả tích cực. Trẻ luôn hứng thú với các tiết học trên lớp và hăng hái tham gia các hoạt động một cách nhanh nhẹn. Trẻ tiếp thu bài tốt, không rập khuôn máy móc mà có nhiều sáng tạo khi thực hành các bài tập. Đó sẽ là tiền đề vững chắc khi trẻ bước vào Tiểu học. Khi được hỏi về “bí quyết” của sự sáng tạo, cô Á cười tươi: “Tôi không có bí quyết gì cả, chỉ đơn giản là yêu nghề, mến trẻ. Mình cảm thấy hạnh phúc khi trẻ đến trường coi đây là ngôi nhà thứ hai và dần trở thành những em bé ngoan ngoãn, lễ phép”.
 
Đạt Nguyễn