Đà Nẵng 27/03/2023

Nhân rộng TƯLĐTT trong nhóm doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng: Đảm bảo quan hệ lao động hài hòa tại doanh nghiệp.

Thứ tư, 28/11/2018

Trong xu hướng phát triển của ngành du lịch – dịch vụ, việc người lao động (NLĐ) thường xuyên dịch chuyển, thay đổi nơi làm việc dẫn đến nhiều xáo trộn, khó khăn trong công tác nhân sự ở các doanh nghiệp (DN). Vì vậy, việc thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) nhóm sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ lao động ổn định, bởi NLĐ ít có động cơ rời bỏ DN này để chuyển đến một DN khác khi điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ lao động tại các DN giống nhau.


Hội nghị thương lượng TƯLĐTT nhóm DN du lịch lần cuối, chuẩn bị các điều kiện để ký kết vào tháng 12 do LĐLĐ thành phố tổ chức. Ảnh: Mỹ Phương

Hành trình đạt sự thỏa thuận
     Sau gần 3 năm ký kết và thực hiện TƯLĐTT thí điểm trong nhóm DN du lịch đầu tiên tại Việt Nam đạt nhiều kết quả khả quan, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố tiếp tục triển khai tổ chức thí điểm nhân rộng TƯLĐTT nhóm với mong muốn đời sống NLĐ lĩnh vực này ngày càng được cải thiện hơn, đảm bảo quan hệ lao động hài hòa, ổn định tại DN. Ông Hoàng Hữu Nghị, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố, Trưởng nhóm đàm phán về vấn đề này cho hay: Thực hiện thí điểm Chương trình khung khổ Quan hệ lao động mới (NIRF) năm 2018 giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, chúng tôi triển khai Kế hoạch về tổ chức thí điểm nhân rộng TƯLĐTT nhóm du lịch dịch vụ; theo đó, đã tập huấn thúc đẩy thương lượng tập thể DN/nhóm DN cho nhóm thí điểm và cán bộ Công đoàn tại 16 DN, đơn vị dự kiến tham gia thí điểm, tổ chức 02 đợt khảo sát với 860 phiếu về việc thực hiện các chế độ chính sách đối với NLĐ, tiến hành thương lượng nhóm chung... Đến thời điểm này cơ bản các nội dung thương lượng đã hoàn tất theo đúng quy trình các bước, dự kiến lễ ký kết sẽ diễn ra vào cuối tháng 12/2018 với 10 DN tham gia.  
     Để có được sự phối hợp, đồng thuận từ các chủ DN, rõ ràng những lợi ích thiết thực do TƯLĐTT nhóm mang lại không những cho NLĐ, mà tại DN đã có nhiều chuyển biến tích cực, năng suất làm việc của NLĐ tăng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh cho DN là không thể phủ nhận. Nhớ lại quá trình triển khai thực hiện thí điểm về thương lượng tập thể nhóm DN và xây dựng bản TƯLĐTT nhóm DN lần đầu từng gặp không ít khó khăn, ông Hoàng Hữu Nghị chia sẻ: Để đạt được thỏa thuận và đi đến ký kết vào tháng 1/2016, nhóm đã mất gần 2 năm với 11 lần dự thảo nội dung TƯLĐTT nhóm DN, lấy ý kiến tham gia của NLĐ, người sử dụng lao động, cán bộ Công đoàn và 9 buổi thương lượng tập thể, cùng với nhiều cuộc đối thoại trực tiếp giữa đại diện LĐLĐ thành phố với 4 DN thuộc ngành du lịch - dịch vụ (Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours), Công ty CP Khách sạn SaiGonTourane, Công ty TNHH Du lịch - Thương mại Phú An Thịnh, Công ty CP Du lịch Phương Đông Việt) trên địa bàn thành phố.
Đảm bảo quyền lợi của người lao động tốt hơn
     Được biết, thời điểm TƯLĐTT nhóm được ký kết vào năm 2016 đã mang lại quyền lợi cho khoảng 700 NLĐ (với gần 60% là lao động nữ). Theo đó, một số điều khoản chính được thống nhất trong TƯLĐTT với nhiều nội dung quan trọng. Đặc biệt, nội dung thành công nhất mà thỏa ước đạt được là vấn đề tiền lương cho NLĐ, trong đó, mức lương tối thiểu trả cho NLĐ (chưa qua đào tạo) tại 4 DN phải cao hơn ít nhất 3,3% so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định; mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với lao động chưa qua đào tạo nghề của thỏa ước này (tăng ít nhất 10,3% so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định); tăng mức phụ cấp ăn giữa ca và các khoản trợ cấp khác. Các điều khoản này được xem như mức sàn được áp dụng chung cho cả 4 DN trên, khuyến khích những DN có những ưu đãi cao hơn cho NLĐ. Đây là một trong những bước đột phá của LĐLĐ thành phố khi ký kết được thỏa ước này, là cơ sở pháp lý để NLĐ và người sử dụng lao động thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, đồng thời bảo vệ quyền lợi của NLĐ, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ trong DN, hạn chế tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể.
     Với dự thảo bản TƯLĐTT nhóm nhân rộng lần này, 12 nội dung theo TƯLĐTT nhóm ngành du lịch – dịch vụ đã ký kết năm 2016 được tiếp tục đề xuất thương lượng. Tại các buổi thương lượng, so sánh với TƯLĐTT của DN hiện có thì 12 nội dung đề xuất thương lượng của LĐLĐ thành phố có tính tương đồng với TƯLĐTT của DN, do đó cơ bản được thống nhất; tuy nhiên, lãnh đạo các DN cũng đề nghị thay đổi ở dự thảo một số nội dung: thời gian thông báo tiền thưởng cuối năm tại DN là 15 ngày  (dự thảo đề xuất là chậm nhất 30 ngày trước ngày nghỉ tết Nguyên đán âm lịch), một số vấn đề khác chỉ nên mang tính khuyến khích chứ không nên bắt buộc... Dự kiến, sau khi ký kết và đưa vào thực hiện, bản TƯLĐTT nhóm sẽ mang lại quyền lợi cho gần 3.000 lao động.
     Như vậy, bản TƯLĐTT nhóm quy định mức sàn, là cơ sở, nội dung chung nhất để mỗi DN tùy theo điều kiện của mình, có thể xây dựng và ký bản TƯLĐTT của từng đơn vị. Tại hội nghị thương lượng TƯLĐTT nhóm DN du lịch lần cuối, chuẩn bị các điều kiện để ký kết vào tháng 12, ông Phan Đức - Chủ tịch CĐCS Công ty Cổ phần Khu du lịch Bắc Mỹ An cho rằng: TƯLĐTT nhóm ngoài việc sẽ mang lại cho NLĐ những lợi ích thiết thân, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh cho DN, thì đây cũng chính là một cách quảng bá hình ảnh du lịch của thành phố tốt nhất, nơi có những điểm du lịch và dịch vụ tốt về cơ sở vật chất, có những chính sách đảm bảo về quyền lợi cho NLĐ.
Ngọc Yến  
Xem tin khác
Hình ảnh hoạt động
Đường dây nóng

Mọi thông tin tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ qua :
 02363. 822. 262
 0905.606.179

 0932.402.555

Lượt truy cập
04074994
Hôm nay:1664
Tất cả:04074994
Đang trực tuyến:50
CLB Doanh Nghiệp chăm lo tốt đời sống người lao động
Bootstrap Slider

Designed and Maintained byThiết kế website Đà Nẵng, DANAWEB.vn