Gặp chị lần gần nhất, sau chuyến về thăm quê hương và viếng lăng mộ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, niềm tự hào, xúc động vẫn còn long lanh trên đôi mắt của người Phó quản đốc trẻ: “Trong đời làm thợ, không có vinh dự nào lớn hơn khi được đứng trước lăng mộ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, tưởng nhớ tới vị lãnh tụ kiệt xuất của Đảng, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ đầu tiên của phong trào công nhân và tổ chức Công đoàn VN. Đó là chuyến đi tiếp thêm cho tôi nhiều sức mạnh mới để tiếp tục lao động, sáng tạo”, chị Đinh Nữ Kiều Ngọc, đoàn viên của Xí nghiệp Bông băng gạc và Vật tư Y tế Hòa Cường thuộc Tổng công ty CP Y tế Danameco chia sẻ. Có lẽ, đó cũng là lần chị nói về mình nhiều nhất! Bởi, nhiều lần gặp chị, lần nào hỏi về cuộc sống, về những sáng kiến chị đều cười chứ ít nói điều gì.
16 năm công tác tại Xí nghiệp Bông băng gạc và Vật tư Y tế Hòa Cường, với vai trò là một công nhân trực tiếp sản xuất, trong chị luôn trăn trở làm thế nào để người trực tiếp đứng máy đỡ vất vả, nhọc nhằn mà năng suất lại cao và chất lượng. Những băn khoăn, trăn trở ấy là động lực để chị miệt mài nghiên cứu. Năm 2012, với giải pháp “Nghiên cứu, cải tiến máy cắt dây cotton”, chị Kiều Ngọc đã cải tiến hệ thống máy từ bán tự động thành tự động. Công nhân chỉ cần đưa cuộn dây cotton vào máy. Máy cắt dây cotton, rơi xuống hệ thống phểu gá, phểu hứng dây và tự động xếp lại. Cải tiến này giúp người lao động không trực tiếp tiếp xúc với vùng nguy hiểm dễ gây tai nạn lao động, đồng thời giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm ổn định. Giải pháp này làm lợi cho công ty hơn 400 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, chị lại mày mò với giải pháp “Nghiên cứu bộ đồ gá cùm, cắt dây cản quang”, đồng tác giả các giải pháp “Xử lý độ không đồng đều và đàn hồi của băng thu vòng băng rốn trẻ sơ sinh”, “Cải tiến đục lỗ túi camera trên máy dập bằng khuôn đinh”… Năm 2015, 2016, với các sáng kiến “Cải tiến gạc phẫu thuật không dệt 7,5cm x 7,5cm x 6 lớp - có cản quang”, “Cải tiến sản phẩm gạc dẫn lưu 1cm x 300cm x 6 lớp”, chị Đinh Nữ Kiều Ngọc đã cải tiến, thiết kế hệ thống máy cũ (không sử dụng) ở công ty thành máy tự động đưa vào sản xuất. Từ đó, giảm thao tác làm bằng thủ công, giải phóng sức lao động, giúp tăng năng suất, sản phẩm chính xác và đẹp hơn, làm lợi cho công ty gần 1 tỷ đồng. Miệt mài, tâm huyết, những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của chị Ngọc ra đời và mang ứng dụng cao. Tính đến nay, các giải pháp của chị Ngọc làm lợi cho đơn vị gần 2 tỷ đồng. Không chỉ là hạt nhân của phong trào thi đua Lao động sáng tạo tại đơn vị, chị Đinh Nữ Kiều Ngọc còn tham gia hướng dẫn, đào tạo mới và đào tạo lại cho 112 lượt công nhân khác trong vòng 16 năm qua. Tích cực, năng nỗ với nhiều hoạt động khác, chị Ngọc xứng đáng được nhận giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh, góp phần làm nên một hình ảnh vô cùng cao đẹp về người công nhân lao động thời đại mới. Với những đóng góp đó, Đinh Nữ Kiều Ngọc xứng đáng đại diện cho lực lượng công nhân trẻ, tiên phong trong công cuộc xây dựng thành phố giàu đẹp, văn minh, xứng đáng là “Công dân Đà Nẵng tiêu biểu” được tôn vinh dịp này.
Chia tay chị, chúng tôi cầu mong đằng sau nụ cười hiền và rụt rè kia, một ý chí luôn vươn lên nắm lấy những hiểu biết mới về khoa học và công nghệ để lao động có năng suất, chất lượng và hiệu quả sẽ tiếp tục phát huy.
.jpg)
Ảnh: Chị Kiều Ngọc bên những cỗ máy đã được cải tiến của mình.
Ngọc Yến