Công đoàn nhận uỷ quyền của NLĐ khởi kiện
Thành phố Đà Nẵng hiện có hơn 19 ngàn doanh nghiệp (DN) với hơn 350 ngàn lao động. Thời gian qua, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn tương đối ổn định; song vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tranh chấp lao động khi việc nợ lương, BHXH của DN đối với NLĐ vẫn diễn ra, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của NLĐ, gây nhiều bức xúc, dẫn đến tranh chấp lao động tập thể.
Theo thống kê, đến hết 31.10, trên địa bàn thành phố có 1.948 DN nợ bảo hiểm từ 3 tháng trở lên gần 172 tỉ đồng; trong đó, trường hợp Công ty TNHH một thành viên TBO VINA (Công ty TBO) khi ông chủ người Hàn Quốc về nước để lại khoản nợ lương, BHXH gần 14 tỉ đồng, khiến gần 500 NLĐ điêu đứng vì quyền lợi không được đảm bảo.
Trước đó, ngày 23.7.2018, hàng trăm công nhân thuộc Công ty TBO tập trung trước cổng đòi lương và BHXH, nhưng lãnh đạo DN vắng mặt. Để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố đã chỉ đạo Công đoàn Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng và cử cán bộ phối hợp các cơ quan chức năng tư vấn, hỗ trợ NLĐ tiến hành bổ sung, hoàn thiện các thủ tục pháp lý khởi kiện DN.
Đến tháng 6.2019, có 196 hồ sơ uỷ quyền cho cán bộ Công đoàn khởi kiện. Ông Phạm Thanh Hiền, chuyên viên Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ thành phố cho biết: “Công ty TBO nợ 55% tiền lương tháng 6 và 100% tiền lương tháng 7.2018 và từ tháng 11.2016 đến 7.2018 công ty này không đóng tiền BHXH cho gần 500 công nhân, trong khi đó hàng tháng công ty vẫn trừ tiền bảo hiểm của công nhân (10,5% tiền lương hàng tháng) cộng với nghĩa vụ của người sử dụng lao động phải trích nộp, tổng số tiền hơn 14 tỷ đồng”.
Khởi kiện là việc chẳng ai mong muốn, nhất là với vụ kiện có số lượng NLĐ tham gia quá lớn. Là người được ủy quyền, ông Hiền cho biết, quá trình tố tụng diễn ra khá khó khăn do cán bộ nhận ủy quyền phải thực hiện hoàn toàn các bước từ hỗ trợ viết đơn, thu thập chứng cứ đến phối hợp với cơ quan BHXH để có đầy đủ các số liệu, chứng cứ pháp lý tham gia phiên tòa.
Chị Nguyễn Thị Na, công nhân Công ty TNHH MTV TBO VINA đang trình bày các khoản nợ của DN cho cán bộ được uỷ quyền khởi kiện giúp chị
Nỗi khổ của người lao động
Được biết, trong quá trình xét xử 196 hồ sơ khởi kiện từ 15.11-28.11, đại diện bị đơn là Công ty TBO đều vắng mặt. Căn cứ hồ sơ cung cấp của nguyên đơn, xét thấy các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn phù hợp với quy định pháp luật, TAND quận Liên Chiểu đã tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc công ty này phải trả tiền lương còn lại của tháng 6 và 100% tiền lương tháng 7.2018 cộng với các khoản phụ cấp như phụ cấp chuyên cần, nhà ở, nước uống, kinh kỳ còn nợ cho NLĐ nếu họ làm đủ ngày công theo thực tế; đồng thời, đại diện cơ quan BHXH yêu cầu công ty phải chuyển trả tiền nợ BHXH của NLĐ vào quỹ BHXH, sau khi trích nộp đầy đủ số tiền nợ BHXH cho cơ quan BHXH thì NLĐ có thể cập nhật quá trình tham gia BHXH trong thời gian làm việc tại Công ty.
Bà Lê Thị Ngọc Oanh, Phó Chủ tịch Công đoàn Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng (được ủy quyền) cho biết, ngay sau khi vụ việc xảy ra, Công đoàn đã tổ chức các buổi tư vấn, đối thoại giải đáp thắc mắc, chuẩn bị sẵn các hồ sơ, mẫu đơn khởi kiện, đơn đề nghị hòa giải… vận động NLĐ làm hồ sơ khởi kiện. Vì số lượng hồ sơ quá nhiều, NLĐ không có đủ thông tin, một số NLĐ không phối hợp tốt trong khi chỉ có 2 cán bộ nhận ủy quyền dẫn đến việc hoàn thiện hồ sơ mất rất nhiều thời gian. “Có thể kết quả cuối cùng đem lại chưa chắc đã đảm bảo hết quyền lợi của NLĐ, nhưng khi không còn cách nào khác, chúng tôi nghĩ chỉ còn cách là khởi kiện DN, như vậy phần nào sẽ đòi lại được công bằng cho NLĐ”, bà Oanh nói.
.jpg)
Cán bộ Công đoàn được NLĐ uỷ quyền đại diện tại phiên toà xét xử vụ án lao động tranh chấp tiền lương và BHXH đối với Công ty TNHH MTV TBO Vina
Có mặt sau phiên xét xử, chị Nguyễn Thị Na, công nhân Công ty TBO chia sẻ: “Khi ông chủ về nước, chúng tôi cũng lao đao, không biết đi đâu về đâu, mỗi người mỗi nơi, bầu bì cũng không ai nhận; chạy lui chạy tới hoài cũng không được phải nhờ tới Công đoàn tham gia và làm giúp cho chúng tôi khởi kiện”.
Không chỉ có chị Na, mà rất nhiều NLĐ của công ty này hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Đằng sau những khoản nợ do người sử dụng lao động không tuân thủ pháp luật để lại là nỗi khổ của NLĐ và gia đình họ. Toà đã tuyên NLĐ thắng kiện DN hơn 6 tỷ đồng, nhưng người sử dụng lao động đã về nước, tài sản sau thanh lý liệu có đảm bảo hết quyền lợi của NLĐ?
Việc cán bộ Công đoàn nhận uỷ quyền khởi kiện trong bối cảnh lực lượng mỏng như hiện nay là khá khó khăn và mất quá nhiều thời gian. Nên chăng, cần có một mô hình “chuyên nghiệp hóa” như việc thành lập lực lượng luật sư Công đoàn hoặc Trung tâm tư vấn pháp luật của Công đoàn để chuyên xử lý những vụ việc liên quan đến pháp luật lao động trong thời gian tới.
Ngọc Yến
Sáng 28.11, TAND quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) đã tuyên án 20 hồ sơ cuối cùng trong vụ án tranh chấp lao động, đòi nợ lương, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) đối với Công ty TNHH một thành viên TBO VINA (Công ty TBO). Trong quá trình xét xử, đại diện bị đơn là Công ty TBO vắng mặt. Căn cứ hồ sơ cung cấp của nguyên đơn, xét thấy các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn phù hợp với quy định pháp luật, TAND quận Liên Chiểu đã tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc công ty này phải trả tiền lương cộng với các khoản phụ cấp còn nợ cho người lao động nếu họ làm đủ ngày công theo thực tế; đồng thời, yêu cầu phải chuyển trả tiền nợ BHXH của người lao động vào quỹ BHXH, để người lao động có thể cập nhật quá trình tham gia BHXH trong thời gian làm việc tại công ty. Như vậy, tất cả 196 hồ sơ của người lao động uỷ quyền cho cán bộ Công đoàn khởi kiện đã thắng kiện doanh nghiệp với tổng số tiền hơn 6 tỉ đồng.