Đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi cách ly
Thống kê chưa đầy đủ, tính đến thời điểm này đã có 08 ca F0, 535 trường hợp F1 và 1.132 trường hợp F2 là đoàn viên, NLĐ ở các đơn vị có tổ chức Công đoàn do LĐLĐ thành phố quản lý và 87 ca F0 là NLĐ ở các doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn trên địa bàn thành phố. Thông tin liên quan đến các ca nhiễm trong khu công nghiệp khiến nhiều NLĐ quan tâm, lo lắng bởi đây là khu vực tập trung hàng chục ngàn lao động. Chính vì vậy, bên cạnh việc tổ chức tuân thủ các khuyến cáo của cơ quan chức năng tại nơi làm việc, Công đoàn cơ sở (CĐCS) tại các doanh nghiệp đã nỗ lực triển khai các biện pháp chăm lo, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ đang thực hiện cách ly và NLĐ đang tham gia lao động, sản xuất.
Cụ thể, Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Liwayway Đà Nẵng hiện đang có 4 trường hợp công nhân phải thực hiện cách ly y tế. Trong đó, 1 trường hợp F1 nghi ngờ, 3 trường hợp F2. Theo bà Trịnh Thị Kim Bình, Nhân viên phòng Nhân sự, Phó Chủ tịch CĐCS Công ty, hiện tại, công ty áp dụng hướng dẫn 5K tại nơi làm việc như tạo khoảng cách ở các nhà máy, văn phòng, đặc biệt là khu vực công cộng. Căn tin công ty có vách ngăn, phân cách ở khu chấm công, yêu cầu các công nhân tuân thủ tại nơi làm việc, khi ra vào phải đo thân nhiệt, khai báo y tế, kể cả khách. Nếu nhân viên có triệu chứng bất thường, hay tiếp xúc với người nghi nhiễm Covid-19 phải khai báo y tế, đồng thời đến cơ quan y tế gần nhất, thông báo với phòng Nhân sự để được hướng dẫn cụ thể. “Ngoài ra, chúng tôi cũng hướng dẫn chung cho toàn bộ NLĐ, nếu NLĐ có giấy tờ xác nhận của chính quyền địa phương là thực hiện cách ly y tế theo quy định thì công ty sẽ thực hiện việc chi trả lương cho NLĐ, nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ khi bị cách ly”, bà Bình cho biết.

Nhà ăn của Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Liwayway Đà Nẵng có vách ngăn đảm bảo an toàn cho người lao động
Còn tại Công ty TNHH Điện tử Foster Việt Nam, hệ thống loa phát thanh luôn cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình Covid-19, các màn hình tivi trong khu vực sản xuất, nhà ăn,… luôn hiển thị các hình ảnh tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch. Là một doanh nghiệp có đông lao động nên việc khai báo y tế mất nhiều thời gian, vì vậy, công ty đã xây dựng một App trên điện thoại để công nhân có thể khai báo y tế thuận lợi trên thiết bị này. Đối với các công nhân không có điện thoại thông minh thì khai báo y tế qua tờ khai y tế. “Số lượng NLĐ rất đông nên việc khai báo qua App của công ty đỡ mất thời gian, NLĐ cũng thấy thuận tiện. Điều này cũng giúp cho công ty thống kê và nắm bắt nhanh các trường hợp đến từ địa phương có dịch và có biện pháp xử lý kịp thời” - ông Bùi Minh Vũ, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Foster Việt Nam nói.
Ngoài ra, Công ty TNHH Điện tử Foster Việt Nam cũng bố trí khu vực chỗ ngồi nhà ăn cách nhau 2m. NLĐ ăn theo ca để không tập trung quá đông. Nhà xe cũng được giữ khoảng cách an toàn. Công ty đã di chuyển một số dây chuyền sản xuất sang các nhà xưởng khác nhằm giảm mật độ tập trung NLĐ.
Hỗ trợ khẩn cấp cho người lao động ảnh hưởng dịch bệnh
Trước diễn biến phức tạp của đợt dịch bùng phát hồi cuối tháng 4, căn cứ chủ trương của Tổng LĐLĐ Việt Nam, tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Duy Minh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ thành phố cho biết đã triển khai kế hoạch chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 từ ngày 27/4/2021. Theo đó, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh những chương trình “Phúc lợi đoàn viên” đã ký kết, tạo điều kiện để đoàn viên, NLĐ được thụ hưởng ưu đãi về giá cả các mặt hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm, quần áo... thì các cấp Công đoàn sẽ chi hỗ trợ lực lượng đang phục vụ tuyến đầu chống dịch gồm các cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung, mức hỗ trợ từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng/đơn vị; chi cho đoàn viên, NLĐ khu vực có quan hệ lao động (bao gồm cả doanh nghiệp, đơn vị chưa có tổ chức Công đoàn) là F0 đang điều trị bệnh, không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng chống dịch mức tối đa là 03 triệu đồng/người. Đối với các trường hợp đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn (tại các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị có đóng kinh phí Công đoàn) đang thực hiện cách ly tập trung (F1) hoặc cách ly tại nhà (F2) hoặc phải nghỉ việc do đang cư trú trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mức hỗ trợ từ 500.000 đồng đến tối đa là 1,5 triệu đồng/người...
“Đối với các trường hợp đặc biệt khác cần hỗ trợ, chúng tôi cũng giao Ban Thường vụ Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở xem xét quyết định nhưng mức hỗ trợ không quá các mức đã được quy định cụ thể về chi hỗ trợ các trường hợp F0, F1, F2 đã nêu. Điều quan trọng, dù khẩn trương nhưng yêu cầu đặt ra là vẫn phải đảm bảo công tác kiểm tra, giám sát nhằm không để sót đối tượng được nhận hỗ trợ lần này” – Chủ tịch LĐLĐ thành phố nhấn mạnh.
Như Minh