Dự buổi Tọa đàm có Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Thắng, Trưởng phòng nghiên cứu khoa học, Viện Công nhân Công đoàn, bà Lê Thị Ngọc Oanh, Phó Chủ tịch Công đoàn Khu Công nghệ cao & các khu công nghiệp Đà Nẵng; đại diện lãnh đạo Liên đoàn Lao động các quận, huyện và Công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Khu Công nghệ cao & các khu công nghiệp Đà Nẵng.
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu tham dự đã trao đổi về những kinh nghiệm trong tổ chức đối thoại tại nơi làm việc; qua đó, Công đoàn cơ sở chia sẻ về những khó khăn, ý kiến, khuyến nghị để Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hỗ trợ hoặc điều chỉnh cách thức thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc sao cho phù hợp.
Báo cáo tại buổi Tọa đàm, bà Lê Thị Ngọc Oanh, Phó Chủ tịch Công đoàn Khu Công nghệ cao & các khu công nghiệp Đà Nẵng, cho biết trong giai đoạn 2016 – 2020, số đơn vị có Công đoàn cơ sở trực thuộc tổ chức đối thoại tại nơi làm việc hằng năm đạt tỷ lệ bình quân từ 55% đến 65% với nhiều hình thức như: đối thoại hằng tuần, tháng, quý theo quy định hoặc đối thoại khi có yêu cầu.
Tuy nhiên, chất lượng của việc tổ chức hội nghị người lao động, đối thoại tại nơi làm việc chưa cao, còn mang nặng tính hình thức, người lao động chưa mạnh dạn đóng góp ý kiến do tâm lý e ngại, sợ ảnh hưởng đến công việc làm…
Với những khó khăn trong thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc như hiện nay, Công đoàn Khu Công nghệ cao & các khu công nghiệp Đà Nẵng nói riêng, các cấp Công đoàn thành phố nói chung cần chủ động nắm bắt tâm tư, tình cảm của đoàn viên, người lao động; giải quyết dứt điểm những vướng mắc hằng ngày của người lao động thông qua đối thoại đột xuất, không đợi đến đối thoại định kỳ nhằm duy trì mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Thanh Hùng